Đặc biệt, đối với các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp, chưa ổn định, Chi nhánh cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể nhận ủy thác theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, dịch bệnh thiệt hại đến cây trồng vật nuôi xảy ra ở các địa phương để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo đúng quy định", ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh.
Song song đó, Chi nhánh tăng cường kiểm tra, giám sát trong toàn chi nhánh, các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền cơ sở và ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm phát hiện những tồn tại hạn chế, để kịp thời chấn chỉnh trong việc triển khai thực hiện và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; đồng thời, chi nhánh tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng với đó, các đơn vị là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang chú trọng cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay; tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của nguồn vốn chính sách; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội...
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, trong 3 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hoàn thành các chương trình cho vay theo kế hoạch tạm ứng tăng trưởng 2%; đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; kết hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh và các hoạt động khác, góp phần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua còn một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay còn thấp, đạt hơn 290 tỷ đồng, chiếm 6,9%/tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (bình quân toàn quốc 12,4%).
Trên địa bàn tỉnh còn hạn chế trong xây dựng các Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tín dụng chính sách, đặc biệt là Đề án cho vay hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi các cây, con có lợi thế của tỉnh; đề án tạo việc, nhu cầu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Nợ quá hạn tăng 3.056 triệu đồng so với đầu năm, có 8/8 đơn vị tăng nợ quá hạn.
Tỉnh Hậu Giang đặt chỉ tiêu thực hiện nguồn vốn chính sách đến 30/6/2024 là hoàn thành 99% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2024; thực hiện huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân được Trung ương cấp bù lãi suất, hoàn thành 70% kế hoạch giao; nguồn vốn ủy thác địa phương tăng trên 100 tỷ đồng so với 31/12/2023; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã 100% đơn vị xếp loại tốt; chất lượng tín dụng toàn tỉnh trên 95 điểm.
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/3/2024 của tỉnh Hậu Giang đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 81 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương hơn 290 tỷ đồng; tiền gửi tổ chức, cá nhân hơn 740 tỷ đồng và nguồn vốn điều chuyển từ Trung ương đạt hơn 3.100 tỷ đồng.