Theo báo cáo tài chính quý II/2024, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK) tăng mạnh. Thống kê của FiinGroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam) cũng cho thấy, quy mô dư nợ margin của 62 công ty chứng khoán đạt gần 228.000 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và vượt qua đỉnh quý I/2021 (184.400 tỷ). Tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên tổng vốn hóa cũng cao kỷ lục, ở mức 9,4%.
Trong đó, 10 CTCK có dư nợ lớn nhất thị trường, xấp xỉ 136.534 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 60% toàn thị trường phải kể đến: TCBS với mức gần 24.694 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng 49% so với đầu năm; SSI hơn 20.385 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm; tiếp đến là HSC, Mirae Asset, VPS và VNDirect, đây là 4 CTCK có quy mô dư nợ trên 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tại HSC tăng mạnh 53%, Mirae Asset và VNDirect tăng lần lượt 14% và 9%, trong khi VPS gần như không đổi.
Quy mô margin dưới 10 ngàn tỷ đồng là MBS, với dư nợ cho vay gần 9.979 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; ACBS với dư nợ cho vay tiến lên mốc kỷ lục, đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm; KIS với dư nợ cho vay hơn 7.855 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm và cuối cùng là Vietcap với mức tăng hơn 7.946 tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm….
Nhận định về con số margin, các chuyên gia tài chính - chứng khoán cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư đã được cải thiện nên đã mạnh dạn sử dụng đòn bẩy lên thị trường. Một mặt vừa kích thích thị trường tăng mua, mặt khác cũng giúp các CTCK tăng huy động vốn nhằm mở rộng dư địa cho hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động cho vay ký quỹ.
Xét trong chu kỳ dài hơn, quy mô dư nợ cho vay trên toàn thị trường liên tục tăng trưởng kể từ quý 1/2023. So với con số hơn 125.320 tỷ đồng ở thời điểm bắt đầu chu kỳ, quy mô cuối quý 2/2024 đã gấp gần 2 lần. Dù vậy, tốc độ tăng về quy mô cho vay không đồng đều, chủ yếu ở nhóm các công ty chứng khoán lớn và một số đơn vị tầm trung.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm CEO FiinGroup lo ngại: “Tuy nhiên, vay margin tăng nhanh diễn ra trong giai đoạn thị trường chứng khoán biến động mạnh, thanh khoản không đột biến, thậm chí giảm. Có thể thấy, cuối tháng 6, thị trường tiếp tục điều chỉnh về 1.250 điểm với thanh khoản sụt giảm. Như vậy, sự tăng trưởng của dư nợ margin phần lớn liên quan đến các giao dịch cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp để mua lại các lô cổ phiếu thông qua thỏa thuận".
Ông Nguyễn Quang Thuân phân tích thêm, quy mô cho vay ký quỹ đạt kỷ lục vào quý II nhưng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản bình quân ngày không tăng so với 3 tháng đầu năm. Nhà đầu tư cá nhân vẫn mua ròng nhiều nhưng không thể hấp thụ quy mô cho vay margin tăng trong quý II. Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm gần 10% so với quý trước. Những thay đổi này cho thấy, vấn đề là quy mô dư nợ margin tăng cao không đến từ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, dư nợ margin tăng trong quý II tập trung nhiều ở những công ty chứng khoán hay làm “deal”. Thực tế, riêng quý II, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 41.000 tỷ đồng. Quy mô bán ròng này một phần được đẩy ra thị trường, nhưng phần còn lại được hấp thụ bởi các nhà đầu tư trong nước, những cổ đông lớn của chính các doanh nghiệp. Do đó, một phần quy mô cho vay margin được sử dụng cho việc này.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Thuân, chỉ tiêu cho vay ký quỹ gia tăng cũng là điều phù hợp với diễn biến tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn trước và sự mở rộng của số lượng nhà đầu tư. Nhờ vậy, rủi ro của thị trường được giảm bớt. Nếu thị trường vẫn đi ngang, dao động trong biên độ như hiện nay, rủi ro do margin sẽ không lớn.
Hiện nay, các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay tỷ lệ tối đa 50%, tức nhà đầu tư được mua chứng khoán với quy mô gấp đôi số tiền bỏ vào. Tỷ lệ này chỉ áp dụng với danh mục cổ phiếu nhất định, chủ yếu là những mã bluechip hoặc có nền tảng tốt. Dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán lập kỷ lục mới với gần 228 ngàn tỷ đồng