Dự báo TTCK năm 2023: Nhiều biến động trước khi phục hồi vào cuối năm

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế - tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2023 sẽ còn nhiều biến động và rung lắc đến quý 2/2023. Tuy nhiên, định giá P/E cổ phiếu đang ở mức thấp so với khu vực cùng với sự hỗ trợ tích cực từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô nên cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào tích lũy.

 

FDI và đầu tư công sẽ là động lực hỗ trợ năm 2023

Bà Helena Shiu - Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng nhận định, trong năm 2023, dòng vốn FDI sẽ được tiếp tục duy trì nhờ triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam, nhiều hiệp định thương mại đa phương và khả năng lập đỉnh của đồng đô la trong năm 2023. Trung Quốc có thể sẽ gỡ dần chính sách Zero Covid và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dần dần hồi phục.

Chú thích ảnh
TTCK năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn trong 2 quý đầu năm.

Mặt khác, đầu tư công cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 khi chính sách tài khóa lớn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, với ngân sách đầu tư công sẽ là khoảng 792 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ rơi vào 90% (tương đương 720 ngàn tỷ) do năm 2022, Việt Nam đã giải ngân được 500 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công (tương đương mức giải ngân 83% kế hoạch năm).

Tương tự, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng, khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế; lộ trình tăng lãi suất của FED chấm dứt sẽ giúp chính sách tiền tệ có thêm không gian hoạt động; chính sách tài khóa được tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, cụ thể gói hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40 nghìn tỷ động sẽ được giải ngân tích cực trong năm 2023 khi lãi suất đang tăng cao; duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu; giữ chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Riêng dòng vốn FDI, theo VDSC, mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu năm 2023 sẽ tiếp tục giảm do lạm phát duy trì ở mức cao, tuy nhiên ViệtNam đứng trước hai cơ hội để thu hút vốn đầu tư mới. Đó là, việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng trong ngành vật liệu bán dẫn; rủi ro địa chính chính ở khu vực Đông Á có thể khiến các công ty đa quốc gia hoạt động tài Đài Loan – Trung Quốc cân nhắc đa dạng hóa thị trường nơi sản xuất. Theo đó, cơ hội để thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam chính là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ bán dẫn. Hiện tạiViệt Nam, các công ty đa quốc gia đã hoạt động như Samsung, LG có xu hướng tiếp tục đầu tư vốn.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế - tài chính của các công ty chứng khoán cũng nhận định, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng dự kiến vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, lộ trình tăng lãi suất của FED, kinh tế thế giới suy thoái, khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý 2/2023, cùng với đó là những phản ánh tiêu cực trong năm 2022 thì năm 2023, doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị tác động cộng hưởng và giảm tốc đáng kể.

Theo VDSC, tuy không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023 nhưng thay vào đó, là những đợt sóng nhỏ mà trong đó, những nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt cho nhà đầu tư.

Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm.

Còn theo chuyên viên phân tích Hoàng Huy của Maybank Investment Bank (MSVN), năm 2022 VN-Index đã rớt từ mức cao nhất lịch sử là 1.500 điểm ở quý 1/2022 do sự không ổn định của thị trường ngoại hối và trái phiếu. Vì thế, dự báo năm 2023, VN-Index có thể phải đối mặt với các thách thức từ lạm phát và việc giảm tỷ lệ đòn bẩy của các nhà phát triển bất động sản để phục hồi. Tuy nhiên, ngành CNTT, đồ uống, năng lượng, khu công nghiệp và ngân hàng là những ngành có thể cho thấy sự tăng trưởng bền vững hoặc lợi nhuận ổn định trong năm 2023.

Định giá cổ phiếu đã về mức thấp, cơ hội để tích lũy

Chú thích ảnh
Mức định giá cổ phiếu hiện nay đang hấp dẫn chưa từng có trong thập kỷ. Ảnh MSVN

Ngoài ra, theo thống kê của VDSC, VN-Index đang được định giá hấp dẫn trong dài hạn vì mối tương quan giữa P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu) và tỷ suất sinh lợi của việc đầu tư trong giai đoạn 2012 đến nay cho thấy, việc mua và nắm giữ khi P/E trong vùng 9.x – 11.x có thể mang lại hiệu suất lợi nhuận cao hơn tiền gửi ngân hàng sau 2 năm nắm giữ. Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầi tiw dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam.

MSVN cũng khuyến nghị, các nhà đầu tư dài hạn có thể chọn thời điểm để tích lũy tài sản/cổ phiếu tốt với mức siêu hấp dẫn trong quý 1/2023; các ngành có tăng trưởng lợi nhuận ổn định và định giá hấp dẫn như là CNTT (FPT), đồ uống (VNM, SAB), năng lượng (GAS, PVS và PVD), khu công nghiệp (BCM) và ngân hàng (STB, LPB, MBB, VCB và TCB) là lựa chọn tốt.

Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), mặc dù định giá các tài sản hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn vẫn còn đó. Chuyên gia của VNDIRECT cũng dự báo, VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 - 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 - 12,5 lần.

Cùng quan điểm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, các yếu tố nội tại của TTCK gần đây xuất phát từ bất cập của thị trường TPDN và thị trường bất động sản (BĐS). Hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng nên đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế. Vì thế, trong năm 2023, lãi suất có khả năng hạ nhiệt song cần chờ thêm mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường BĐS hay không; việc đáo hạn TPDN tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó cần chờ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.

Trong kịch bản tích cực của SSI Research, thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2023, song thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” trong quá trình đi lên. Do đó, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, đối với TTCK năm 2023 nên có tư duy phân chia giữa đầu tư dài hạn và ngắn hạn. Với đầu tư dài hạn, có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong thời điểm hiện tại, có những doanh nghiệp đầu ngành nhà đầu tư chỉ có thể mua được ở thời điểm này với mức giá khá thấp, do đó chỉ cần chọn thời điểm thích hợp để mua vào dần dần trong khoảng 6 tháng sắp tới.

“Đối với đầu tư ngắn hạn, sẽ khó hơn nhiều vì năm 2023 vẫn sẽ là một năm gập ghềnh, có thể có những đợt lên xuống do những rủi ro của thị trường vẫn còn. Theo đó, nhà đầu tư cần chờ thời điểm chính sách đi vào thực tế, giúp tất cả những rủi ro như lãi suất sẽ hạ nhiệt, các vấn đề trên thị trường BĐS, thị trường trái phiếu được tháo gỡ, khi đó TTCK chắc chắn sẽ phản ánh và đi trước tất cả các yếu tố đó”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.

Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cũng cho rằng, áp lực đối với nhu cầu vốn đáo hạn TPDN, lãi suất cho vay tiệm cận về giai đoạn 2012-13 và khó khăn của thị trường bất động sản ngấm dần vào các hoạt động kinh tế sẽ là những thách thức chính của năm 2023. Việc điều chỉnh các lộ trình chính sách cho phù hợp, đảm bảo dòng vốn thông suốt với chi phí hợp lý và thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sẽ là trọng tâm xuyên suốt.

Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia, lạm phát của Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát, dao động trong khoảng 3,8% - 4,6%, nằm trong phạm vi kế hoạch của Chính phủ (tức là 4,5%). Vì thế, dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 4,3% vào năm 2023.

Cuối cùng, theo dự báo của Công ty Chứng khoán DSC, VN-Index sẽ đạt 1.100 điểm ở kịch bản cơ sở, 850 điểm ở kịch bản xấu và 1.300 điểm ở kịch bản tốt; đồng thời nhấn mạnh năm nay sẽ còn nhiều khó khăn nhưng khả năng thị trường tài chính sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2022 và là cơ hội để tích lũy tài sản cho một chu kỳ mới.

Hải Yên/Báo Tin tức
Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đầu năm
Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đầu năm

Tuần đầu năm dương lịch 2023 (từ 2 - 6/1), thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN