Nhiều ngân hàng lớn tụt dốc
Theo SSI Research, lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng trong quý 3/2023 có sự phân hóa sâu sắc, với dự báo có ngân hàng lợi nhuận tăng đến 63%, song cũng có ngân hàng lợi nhuận giảm tới 32%. Đáng chú ý, không chỉ ngân hàng nhỏ giảm lợi nhuận mà cả các ngân hàng lớn cũng nằm trong tình trạng này.
Cụ thể, có 5 ngân hàng dự báo lợi nhuận đi lùi trong quý 3/2023 là MSB, Techcombank, TPBank, VIB và VPBank.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 của MSB ước đạt 1.300 - 1.400 tỷ đồng, giảm khoảng 13% đến 6% so với cùng kỳ do NIM (sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của một ngân hàng) giảm. Tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức cao, đạt 15 - 16% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức khoảng 7%.
Trong khi đó, Techcombank dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 đạt 5.700 - 5.900 tỷ đồng, tức giảm 12 - 15% so với cùng kỳ. NIM của Techcombank tiếp tục gặp áp lực trong quý 3/2023 do cơ chế linh hoạt lãi suất áp dụng với một số khách hàng. Thêm nữa, chi phí vốn chưa có nhiều cải thiện khi ngân hàng phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 30% kể từ 1/10/2023. Tỷ lệ này của ngân hàng là 31,6% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Còn TPBank dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 khoảng 1.450 - 1.600 tỷ đồng, giảm 32% đến 25% so với cùng kỳ do mức nền lợi nhuận cao năm trước. Nguyên nhân chính là do NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận trước thuế giảm trong quý. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng và huy động thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7,5% so với đầu năm, tăng trưởng huy động vốn dự kiến tăng 5% so với đầu năm.
Với VIB, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý 3 đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ do gánh nặng trích lập dự phòng. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trở lại trong quý 3/2023 với mức tăng 5% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động ở mức 7% so với đầu năm.
Tương tự, áp lực về NIM cũng như chất lượng tài sản của VPBank vẫn tiếp diễn trong quý 3/2023. Mặc dù ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh, khoảng 18 - 20% so với đầu năm, lợi nhuận tước thuế dự kiến đạt 3.300 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) nhưng so với quý trước, lợi nhuận của VPBank tăng 38% do hoạt động kinh doanh của FE Credit cải thiện, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 9/2023.
Tăng trưởng không như kỳ vọng
Nhìn chung, phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng đều khả quan dù không như kỳ vọng. Cụ thể, trong nhóm big 4, VietinBank dự báo là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất quý 3/2023. Nguyên nhân, chi phí dự phòng rủi ro của VietinBank đã giảm hơn so với năm ngoái nên dự báo tín dụng VietinBank cuối tháng 9/2023 sẽ tăng 9 - 10% so với đầu năm; song NIM giảm so với cùng kỳ nên lợi nhuận quý 3/2023 của ngân hàng dự kiến đạt 4.900 - 5.000 tỷ đồng.
Tương tự, Vietcombank cũng là ngân hàng có lợi nhuận cao trong quý 3/2023. Mặc dù không dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận do tín dụng tăng chậm hơn so với các ngân hàng khác (tín dụng tính tới cuối tháng 9/2023 chỉ tăng 3,6%), song dự kiến lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 của Vietcombank đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và giảm 4% so với quý trước. Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank trong quý vẫn đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp.
BIDV là ngân hàng duy nhất ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý 3/2023 với mức giảm lợi nhuận khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do gánh nặng trích lập dự phòng. Dù vậy, BIDV vẫn đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.100 - 6.200 tỷ đồng, đứng thứ hai trong nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh về lợi nhuận.
Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất là Sacombank (tăng trưởng đến 63%), tiếp đến là MBB (19%), ACB (12%), HDBank (14%)…
Cụ thể, dự báo MB tăng trưởng tín dụng mạnh khoảng 14% so với đầu năm, NIM duy trì ổn định và chất lượng tài sản cải thiện nhẹ là những động lực chính giúp lợi nhuận quý 3/2023 có thể đạt khoảng 7.300 - 7.500 tỷ đồng, tăng 16 - 19% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ACB được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.800 - 5.000 tỷ đồng trong quý 3/2023, tức tăng trưởng 7 - 12% với mức tín dụng tăng 8,5% so với đầu năm. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ khiến NIM thu hẹp trong quý 3. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến dao động quanh mức 1,1%/năm. Nhìn chung, kỳ vọng ACB sẽ đạt 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ.
Còn HDBank ước tính đạt 2.900 - 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023, tăng khoảng 7 - 14% so với cùng kỳ nhờ khoản lãi từ việc bán cổ phiếu VJC. Đà tăng trưởng huy động tiếp tục được quy trì trong quý 3 với mức tăng trưởng khoảng 50% so với đầu năm trong khi tín dụng tăng 11-12% so với đầu năm.
Sacombank là ngân hàng được kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 tăng cao nhất, đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng, tăng 57 - 63% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, NIM đi ngang so với quý trước trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.
Theo nhận định của VDSC, trong tháng 10, không chỉ riêng ngành ngân hàng mà nhiều ngành khác cũng công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, diễn biến thị trường chứng khoán tháng 10 sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2023 của các doanh nghiệp niêm yết.
Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành cho thấy, thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. Do vậy, VDSC khuyến nghị, nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý 3/2023 sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.