Thời gian qua, TTCK đã rung lắc mạnh với diễn biến không khả quan, nhà đầu tư mất niềm tin, ồ ạt bán tháo. Đóng cửa phiên 6/10, sàn HoSE có 60 mã tăng và 429 mã giảm (65 mã giảm sàn), VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,69%), xuống 1.074,52 điểm.
Nhóm vốn hóa lớn, đại diện là VN30-Index còn giảm mạnh hơn chỉ số chính, gây thêm áp lực lên thị trường. 28/30 cổ phiếu rổ VN30 giảm giá, GVR giảm sàn -6,8% xuống 17.800 đồng/cổ phiếu. Duy nhất VIC giữ được sắc xanh, tăng 0,2%. Ngoài ra, MWG -6,8% xuống 58.000 đồng/cổ phiếu; SSI -6,7% xuống 17.400 đồng/cổ phiếu; STB -6,5% xuống 18.000 đồng/cổ phiếu; HPG -6,3% xuống 18.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, các cổ phiếu lao dốc mạnh còn có POW -5,8%, MBB -5,7%, MSN -5,1%, KDH -4,5%, TCB -3,9%, ACB -3,9%, BVH -3,4%, VIB -3,3%.
Theo CTCK Rồng Việt, hiện tại, thị trường đang thăm dò lại vùng giá thấp trước khi hồi phục, VN-Index lùi về gần vùng giá thấp 1.070 điểm nhưng VN30-Index lại giảm dưới vùng giá thấp 1.090 điểm. Mặc dù thị trường đang ở vùng hỗ trợ nhưng với động thái cung vẫn đang chi phối nên điểm dừng hiện tại chưa được xác nhận và thị trường có thể vẫn còn đối diện với rủi ro suy yếu. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường, giữ danh mục ở mức an toàn và chờ động thái hỗ trợ tiếp theo của dòng tiền.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều tối 6/10, Công ty cổ phần chứng khoán Công thương (VietinBank Securities) cho biết: TTCK trong phiên giao dịch 6/10 tương ứng với diễn biến giá giảm mạnh. Xét trong ngắn hạn T+3 (ngày thanh toán là ngày làm việc thứ 3 sau ngày giao dịch), sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì diễn biến suy yếu trong bối cảnh áp lực bán duy trì mạnh và áp đảo khiến cho nhiều mã cổ phiếu giảm sàn, đẩy chỉ số VN-Index về sát ngưỡng hỗ trợ 1.070 điểm.
“Với diễn biến áp lực điều chỉnh vẫn còn hiện hữu, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở ngưỡng 30% cổ phiếu và 70% tiền mặt; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến của VN-Index. Ngoài ra, VN-Index hiện đang có ngưỡng hỗ trợ 1.070 điểm. Tuy vậy, nếu áp lực điều chỉnh vẫn tiếp tục duy trì như hiện tại và ngưỡng điểm trên không giữ được, nhà đầu tư có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ tìm về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm”, VietinBank Securities cho biết.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), trong giai đoạn này, TTCK được dự báo là tiêu cực với nhiều yếu tố lo lắng cho một chu kỳ giảm sâu xuất phát từ những điều tương tự của TTCK năm 2007 tiếp tục khiến nhà đầu tư bán tháo. Nhiều công ty chứng khoán cho biết thị trường vẫn xu hướng giảm. Việc này được cho liên quan tin đồn về khả năng phá sản của hai ngân hàng Deutsche Bank (Đức) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) càng khiến tâm lý tiêu cực bao trùm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: Xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm nhưng thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán rất mạnh và chỉ báo định lượng đang rơi về mức đáy thấp của tháng 3/2020 (tức là thời điểm diễn ra sự kiện bùng phát dịch COVID-19). Tuy nhiên đại diện Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Thị trường thường có xác suất tăng 72% trong 2 tháng tới với mức tăng trung bình là 10% khi thị trường đạt trạng thái này.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù quý 3/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ nhưng so với quý II/2022 thì chỉ tăng 1,83% cho thấy tốc độ tăng trưởng theo quý đang chậm lại do ảnh hưởng từ lạm phát và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng: Các vấn đề về room tín dụng và tình hình đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vào thời điểm cuối năm cũng đã khiến nhóm ngân hàng và bất động sản không còn là bệ đỡ cho thị trường.
Một số ý kiến cho rằng: Thị trường vẫn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ mạnh do nhiều thông tin tiêu cực hơn và tâm lý của nhà đầu tư lúc này cũng đang rất yếu. “Thị trường đang có khả năng sẽ hồi phục trong 2 tháng tới là khá cao, cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo giai đoạn này và ưu tiên nắm giữ. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index vượt được hoàn toàn mức 1.160 điểm thì có thể xem xét tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Đánh giá về triển vọng TTCK, bà Nguyễn Hoài Thu, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu - Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng: Chứng khoán Việt Nam về dài hạn là tích cực vì nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng nhanh so với các nước đang phát triển, dựa trên nền tảng tốt về dân số lớn 100 triệu dân, trẻ, mức độ phụ thuộc thấp, và thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam là vượt bậc so với kinh tế trong khu vực, tiêu biểu Asean đang bị phá giá đồng tiền lớn, thì VND vẫn ổn, lãi suất vẫn thấp so với các nước. Một nền kinh tế phát triển tích cực trong dài hạn cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ tốt, là điều kiện tiên quyết cho TTCK phát triển", bà Nguyễn Hoài Thu cho biết.