"Lỗ hổng" về thẩm định giá xảy ra ở nhiều vụ việc, điển hình sai phạm về đấu giá đất, có địa phương các đối tượng với thủ đoạn tinh vi từ khâu lựa chọn công ty tư vấn thẩm định giá đến dìm kết quả thẩm định giá xuống hàng trăm tỷ đồng. Hay như việc mua hệ thống Realtime PCR tự động phục vụ xét nghiệm COVID-19, nhập về Việt Nam theo khai báo hải quan có giá 2,3 tỷ đồng nhưng được "thổi" giá lên 7 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu tổng giám đốc/giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên về giá hành nghề cần nghiêm túc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thẩm định giá; Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình thẩm định giá, các quy định về các cách tiếp cận và phương pháp trong thẩm định giá; phát hành Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá đúng theo mẫu quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05; tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, giữ vững tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, theo đó chú trọng đến tính độc lập, khách quan và tuân thủ đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết: Theo quy định pháp luật, các thành viên của Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình khi nhận định, đánh giá, biểu quyết mức giá tài sản trong quá trình thẩm định giá. Tuy nhiên, các thẩm định viên về giá, những người “không có mặt” trong Hội đồng thẩm định, không tham gia vào “quyết định cuối cùng về giá tài sản thẩm định” mà chỉ đơn thuần “cung cấp dịch vụ tư vấn” cho Hội đồng thẩm định nhưng lại vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý như thành viên Hội đồng thẩm định!?.
Theo cơ chế giá thị trường thì giá của hàng hóa dịch vụ được hình thành do các nhân tố hình thành giá và các quy luật kinh tế của giá cả thị trường quyết định. Do vậy đòi hỏi khi định giá hay thẩm định giá, kết quả của các mức giá xác định được đều phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với giá thị trường.
“Gần đây có quan điểm cho rằng dù là cơ chế thị trường thì định giá, thẩm định giá vẫn phải căn cứ vào chi phí sản xuất, giá thành để định ra mức giá cho thị trường mua bán (đối với hàng nhập khẩu là giá vốn hàng nhập khẩu, đối với hàng sản xuất trong nước là giá vốn tính đúng, tính đủ theo phương pháp chi phí cộng tới). Vì thế quan điểm này cho rằng cái sai của một số Công ty là khi tính giá theo chi phí là 1, nhưng khi thẩm định giá lại xác định giá cao hơn giá theo chi phí gấp 2 - 3 lần một cách thiếu căn cứ chi phí”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), thẩm định viên được hoạt động độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước khác hàng mà thiếu cơ quan kiểm tra giám sát nên rất dễ bị thao túng, lợi dụng chức vụ để sai phạm. Tuy rằng, việc chấp nhận một kết quả thẩm định đều phải thông qua Hội đồng thẩm định giá, với đầy đủ các bộ ngành liên quan và các tổ chức chuyên ngành. Nhưng, ngay cả Hội đồng cũng khó có thể xác định giá chính xác vì không có khảo sát thực tế. Tất cả đều dựa trên kết quả từ chứng thư thẩm định giá mà đây vẫn còn khá nhiều kẽ hở để những thẩm định viên thiếu đạo đức nghề, luồn lách, thông đồng trục lợi.
Sau gần 8 tháng thực hiện Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá, công tác quản lý đối với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá đã được tăng cường theo chiều hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, cả về việc cấp mới cho doanh nghiệp cũng như chấn chỉnh hoạt động của các thẩm định viên.
Nghị định số 12/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 24/2/2021 nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Ngoài ra, quy định bổ sung các chế tài và điều kiện đủ mạnh nhằm siết chặt quản lý, chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên; bảo đảm hệ thống pháp luật về thẩm định giá đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp mới tăng nhanh, nhất là năm 2016 tăng 42 doanh nghiệp, năm 2017 tăng 45 doanh nghiệp, năm 2020 tăng 98 doanh nghiệp, năm 2021 tăng 21 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ khi quy định về cấp mới có hiệu lực theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá cấp mới đã giảm đáng kể (tỷ lệ giảm 88% so với cùng kỳ 2020), cụ thể 8 tháng kể từ khi Nghị định số 12 có hiệu lực, chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp mới. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 430 doanh nghiệp được cấp mã hành nghề thẩm định giá được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (thực tế năm trong năm 2021 có 364 doanh nghiệp hoạt động).
Việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP đã góp phần thực hiện yêu cầu về siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hiện được đánh giá là còn quá mở dẫn đến số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 - 2020.
Mặt khác, các quy định mới đã khắc phục được tình trạng một số cá nhân là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá do làm ăn yếu kém, chất lượng dịch vụ thẩm định giá thấp hoặc bị khiếu nại, tố cáo, họ đã giải thể doanh nghiệp cũ để trốn tránh trách nhiệm và ngay sau đó thành lập doanh nghiệp mới thì việc quy định thời gian tối thiểu để được tiếp tục là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá khác.