Vai kép

Dạo ấy tôi mới ra trường, đang thất nghiệp. Anh Hà thì mới ly dị vợ. Anh Hà là diễn viên kịch, cao to đẹp trai. Đoàn kịch của anh đang ế ẩm.

"Diễn viên trẻ, không danh hiệu như tao, đói thối mồm" - anh Hà tóm gọn cái thời vận của mình như vậy rồi cười to "A hà hà" đầy sảng khoái. Vợ anh Hà vốn là một ca sĩ đi lên từ phong trào ca nhạc quần chúng.

Anh Hà hay rủ tôi lên xe máy đi lòng vòng. Có lúc hứng chí chúng tôi lên tận Bắc Ninh, tận Sơn Tây, chả thăm ai, chả vào đình vào chùa nào, chỉ ngồi quán uống mấy chén rượu suông rồi về. Anh Hà uống không say nhưng hay nói. Chuyện anh Hà hay nói nhất là chuyện đàn bà, những người đàn bà "đã có với tao một cuộc tình. A hà hà". Họ làm đủ nghề: Bác sĩ, kỹ sư, công nhân, họa sĩ, bán quán, sinh viên... Người xinh kẻ xấu, người đoan trang, kẻ mạnh bạo... Qua hàng chục cuộc đi, hàng chục cuộc rượu như thế, tôi chỉ thấy họ lờ mờ qua màn sương, người nọ lẫn vào người kia, cặp mắt buồn bã trống rỗng mặc dù anh Hà kể chuyện rất có duyên. Có lẽ tôi chưa hiểu gì về đàn bà cả mặc dù đã có hẳn một mối tình mấy năm sinh viên, và chính sự ngây ngô của tôi đã kích thích anh Hà kể chuyện.

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP


Một buổi chiều mưa phùn gió bấc, anh Hà dẫn tôi đến một xóm ngoại thành ven sông. Chúng tôi ngồi thu lu trong một cái quán sát cầu. Cảnh vật buồn không thể tả được. Lần đầu tiên tôi uống đến chén rượu thứ ba. Con sông nước đỏ ngầu rũ rượi. Tôi kể chuyện tình sinh viên của tôi. Anh Hà nghe chăm chú, nhắp rượu liên tục. Kể xong, tôi buồn thấm thía, lần đầu tiên tôi buồn vì chuyện này đến vậy. Anh Hà đã trở lại vẻ mặt thản nhiên thường lệ, hỏi:

- Hôm đám cưới nó, nó nhìn mày kiểu gì?

H
ôm ấy, nàng nhìn tôi kiểu gì? Ai oán bi lụy? Vui tươi nồng ấm? Hả hê khinh bỉ? Không, nàng nhìn lướt qua đầu tôi, có vẻ lo lắng đăm chiêu. Anh Hà cười nhạt:

- Tất nhiên. Mày dại rồi. Loại mày làm sao đủ bản lĩnh đi dự đám cưới người tình cũ. Người ta chỉ làm như vậy trong hai trường hợp. Một là uống để cho mụ đi, rồi giắt con dao phay hoặc một nửa hòn gạch vào người. Hai là ăn mặc lịch thiệp, cho mấy chục nghìn đồng vào cái phong bì, đề chữ thật trang nhã ở ngoài: Chân thành chúc mừng hạnh phúc của hai bạn, viết tên chúng nó, ký tên ta vào.

Tôi đần độn trong bộ quần áo mặc từ thời sinh viên, đần độn góp tiền để mua một cái chậu to tướng và một cái xoong quấy bột trẻ con ("quà mừng của tập thể bạn trai cùng lớp"), đần độn chạy lăng xăng kê dọn bàn ghế. 

Đêm hôm đó, tôi đần độn ngồi nhìn ngọn lửa ngốn dần những lá thư, những bưu thiếp, những khăn tay, những cuốn sổ chép đầy thơ và danh ngôn tình yêu.

Một luồng gió từ sông hắt lên lạnh buốt. Trời đã tối sập xuống. Anh Hà xoay mình sang bà chủ quán nãy giờ vẫn gà gật cạnh bóng chiều đông thê thảm hắt qua cái mành mành:

- Nhà cô Hạnh ở đâu hả bà? 

-
Hạnh nào? - bà già bỗng tỉnh như sáo - Hạnh con ông lang, Hạnh con bà bí thư, Hạnh thọt, Hạnh đi Tây về... Xóm này nhiều Hạnh vứt không hết.

- Hạnh là cô giáo, lấy chồng về ở đây.

- A, cô giáo, mặt lúc nào cũng rầu rầu chứ gì. Đi men bức tường dài, đến cái ao, nhìn sang trái thấy cái nhà nào hai tầng là nhà nó. Gớm kín tiếng thế, đến đây nhẵn mặt nay mới hở ra một câu.

- Bà cho hỏi, chồng cô ấy có nhà không ạ?

- Biết được. Này con trai ơi, trâu ta ăn cỏ đồng ta, rét thế này về ôm vợ có sướng hơn không - Bà già cười, trẻ ra đến hai chục tuổi. Anh Hà ngửa cổ lên trời, ngâm: - Trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người chứ. A hà hà. Bà cho con gửi cái xe. Nào, lên đường.

Chúng tôi bì bõm trong con ngõ tối. Anh Hà hể hả giảng giải:

- Các bà già lõi lắm. Úp úp mở mở là dại. Cứ nói toẹt ra, thế là trí tưởng tượng của các bà không bị kích động nữa, họ sẽ mất khả năng đưa chuyện. Hơn nữa, khi không được trí tưởng tượng chắp cánh, họ sẽ bị bối rối. Rút cục chuyện thật tưởng đùa. Đó chính là "nói thật như giả", bi kịch của trung thần nghĩa sĩ đấy. Ngoài đòn ấy còn có đòn "nói giả như thật"...

Tôi vô ý giẫm bẹp vào vũng nước, nước bẩn tóe lên làm ngắt mạch nói của anh Hà:

- Chị Hạnh này là... người quen của anh?

- Mối tình đầu của tao đấy. À, tao chưa kể chuyện về nó nhỉ. Nhưng cũng chẳng có gì, y như chuyện của mày thôi.

Hết đoạn đường tối, chúng tôi đứng sững lại. Ánh đèn vàng vọt hắt vào mặt anh Hà, trông anh nham hiểm đồng thời tuyệt vọng đến ghê người. Tôi run bắn:

- Thôi về đi anh.

- Cái gì? Mày trông có phải cái nhà kia không, có đèn đúng không. Xông vào. Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con chứ. Tao sẽ cho mày xem.


Anh Hà định bắt cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi đứng trước một cái cửa dẫn vào một cái hang ấm áp và sáng sủa, tôi hình dung thế. Anh Hà thận trọng gõ cửa, cửa mở ngay như chỉ chờ có thế. Ánh sáng và hơi ấm tràn ra cùng với một khuôn mặt đờ ra trắng nhợt:

- Anh... anh... (lặng ngắt hai giây). Vào nhà đi... hai anh em.

Chúng tôi ngồi thụt vào bộ sa lông đắt tiền. Chị Hạnh lập cập lấy ấm chén đi rửa. Choang, một cái chén rời khỏi khay rơi xuống vỡ tan tành.

- Em đoảng quá.

- Đổ vỡ là điềm lành. Mà thôi đừng pha nước, khách sáo lắm.

Nhà chị Hạnh đầy đủ tiện nghi. Tôi chỉ không thích phiên bản của bức tranh nổi tiếng Thiếu nữ và hoa huệ trên tường bởi vẻ mặt lãnh cảm của thiếu nữ. Chị Hạnh mở nhạc vừa độ. Tôi lùi ra góc với tờ báo che lấp mặt. Trong không gian riêng ước lệ được tạo nên bởi những giới hạn thực - ảo ấy, tôi vẫn nghe văng vẳng từng đoạn câu chuyện của anh Hà và chị Hạnh.

- Em, giờ này em đang làm gì. Nấu cơm? Ăn cơm với chồng? Rửa bát? Xem ti vi? Người ta bảo những ngày mưa gió thế này, vợ chồng thường thích đi ngủ sớm. Chồng em, người đàn ông có đôi mắt lợn luộc, sẽ viên mãn ngả người xỉa răng, trong khi em lăng xăng trải đệm mắc màn. Và sau đó, đèn tắt phụt ...

- Anh uống rượu phải không, em nghe chúng nó bảo độ này anh hay uống rượu?

- Ừ. Sau ngày em bỏ anh đi lấy chồng, anh uống cho say, cho quên. Còn bây giờ anh uống cho tỉnh, cho nhớ. 

-
Em vẫn thường dạy học trò rượu chè là xấu. Nhưng hình như khi uống rượu, bản tính đàn ông mới thật sự bộc lộ.

- Chồng em có uống rượu không?

- Không bao giờ.

- Thế mà trong ngăn tủ kia rất nhiều rượu, toàn loại đắt tiền.

- Để trang trí thôi. Anh uống không?

- Có chứ.

Tin trên báo: "Ngày... trong một căn hộ ở... người ta phát hiện thấy hai xác người. Anh X. bị đâm nhiều nhát dao. Chị Y. treo cổ trên móc treo quạt trần giữa nhà. Căn cứ vào hiện trường và tử thi có thể thấy: Anh X. bị chị Y. bất ngờ đâm chết, sau đó chị Y. tự tử. Được biết anh X. và chị Y. yêu nhau nhưng gia đình chị Y. kiên quyết bắt chị Y. cắt đứt quan hệ. Chị Y. tuyên bố nếu hai người không lấy được nhau thì sẽ cùng chết".

Nàng chia tay tôi chẳng vì gia đình, bạn bè hay đoàn thể chính quyền nào ngăn trở. Đó là điều phi lý đến đau lòng, đau hơn đôi tình nhân X. - Romeo và Y.- Juliete kia nhiều.

- Dạo này anh làm ăn có được không?

- Không nên nói chuyện làm ăn em ạ. 

-
Vâng, ý em muốn hỏi về công việc của anh. Em trông anh hơi gầy.

- Công việc nhiều lắm. Đoàn anh đang dựng vở Bi kịch của đại bàng. Vở này sẽ đi lưu diễn ở châu Âu và Mỹ.

- Ồ, anh sướng thật đấy. Thế anh đóng vai gì?

- Vở này rất hiện đại. Anh đóng một lúc cả Thạch Sanh lẫn Lý Thông!

- Em mừng cho anh. Người đàn ông phải thành đạt anh ạ.

- Đúng thế, anh đã hiểu vì sao ngày trước em đột ngột bỏ anh.

- Thôi, anh đừng nhắc lại chuyện cũ.

Thư của nàng: "...Người con gái nào mà chẳng ước ao một mái nhà ấm áp. Và người đàn bà trong em đòi phải được như vậy... Chúng ta hãy chia tay nhau và em mong muốn anh là người bạn tốt của em...".

Tôi đi đầu đám rước dâu. "Dừng lại để tao đốt. Đến đầu ngõ nhà giai rồi". Một thằng bạn cầm mảnh báo to lửa cháy đùng đùng gí vào dây pháo. Tôi giơ cao thanh tre một đầu có băng pháo đang giẫy giụa nổ, tay kia ôm mặt mắt nhắm nghiền. Khi tôi mở được mắt thì đám rước đã vào nhà. Quần áo và mặt mũi tôi bê bết bùn thối vì những quả pháo nổ trong cái cống trước ngõ...

- Vợ anh độ này hay lên ti vi ghê. Chị ấy trẻ và xinh ra nhiều. 

-
Nó đi mỹ viện. Nó son phấn đấy. Nhưng sao em biết?

- Sao em lại không biết, mặc dù anh cưới chẳng thèm mời em.

- Vui cái gì mà mời hả em. À, mà vợ chồng anh đã ly dị rồi.

- Thế à. Em xin lỗi nhé, nhưng vì sao hả anh?

- Đấy là bi kịch của sự thành đạt em ạ. Vợ anh đã trở thành người đàn bà thành đạt. Người đàn bà thành đạt không cần người đàn ông thành đạt.

- Chẳng phải thế đâu anh ạ. Người đàn bà cần tình yêu.

- Nhưng anh đã yêu em nhiều bao nhiêu...

- Thôi đừng nhắc đến chuyện cũ nữa anh ạ... 

-
Nói chuyện hiện tại nhé. Anh đã dứt bỏ tất cả. Hạnh, anh yêu em. Chúng ta hãy làm lại từ đầu.

Im lặng. Tôi cố gắng thở đều và giữ im để tờ báo không rung...

- Sao bây giờ anh bạo thế. Ngày xưa, anh nhát lắm, nhát đến mức em thường bắt nạt anh.

- Đừng nhắc đến chuyện cũ em ạ.

Tin trên báo: "Đội đặc nhiệm công an thành phố lập chiến công: Bắt sống tên H. tức H. sẹo, H. mã tấu. Sau khi dùng dao chém chết anh Z., chỉ vì y cho rằng anh đã nhìn đểu xúc phạm danh dự của y (?), H. đã trốn tại nhà của người yêu cũ tại xã... huyện... tỉnh... Rồi đây, cô gái người yêu cũ của H. cũng sẽ phải ra trước pháp luật về hành vi cố ý chứa chấp kẻ phạm tội có lệnh truy nã".

Cô gái ấy làm nghề gì? Chăn tằm dệt lụa? Làm ruộng? Gái làm tiền? Một kẻ có tiền án? Cô ta chưa chồng? Vẫn đang có chồng? Đã bỏ chồng? Báo không nói rõ nhưng chắc đó là một người đàn bà có đôi mắt rực cháy. Tên tội phạm mà số phận dành sẵn một cái cọc ở trường bắn kia chắc chắn đã được hưởng hạnh phúc với người đàn bà ấy.

Nếu tôi bị săn đuổi thì nàng có chứa chấp tôi không? Chắc chắn không.

Con người có lòng tự trọng điên rồ kia không bao giờ bị người đàn bà yêu mình chơi đểu. Còn nàng...

- Thôi, có lẽ bọn anh về đây.

- Đừng... anh chưa uống hết ly rượu mà. 

-
Anh uống hết ly này anh sẽ say. Chồng em về, anh sẽ không kìm được, anh sẽ đánh hắn.

- Anh đùa không đạt rồi. Tốt nhất là đánh em, em đáng bị như thế.

- Anh rất muốn gặp em nữa, nhưng không phải ở cái nhà này.

- Đừng anh ạ... À mà thứ năm em nghỉ đấy, cứ thứ năm hàng tuần là em được nghỉ.

- Anh đến trường đón em nhé. Thứ năm, em cứ đến trường...

- Không được đâu anh ạ. Đừng...

Có tiếng đập vào cửa, tiếng đập cửa đầy tự tin, tiếng đập cửa của người làm chủ. Chủ cái hang ấm áp và đầy ánh sáng đã về.

Tôi bỏ tờ báo xuống. Chị Hạnh lập cập ra mở cửa. Anh Hà quay sang nhìn tôi, trong một thoáng, nét nham hiểm và tuyệt vọng lại hiện lên nhưng lần này tôi không còn thấy sợ nữa.

Chồng chị Hạnh bước vào. Kìa, đôi mắt lợn luộc và khuôn mặt trì độn, viên mãn. Tôi ơ lên một tiếng. Anh Hà quay nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi chớp mắt. Không phải, chỉ rất giống chồng nàng thôi.

- Cơm có rồi chứ? À vâng, chào các anh.

- Chào bác. Công việc độ này vất vả quá nhỉ? - anh Hà đon đả.

- Vâng. Cái trời mưa chó má này, công trình cứ nát bươm cả ra, tiền thì không thu được. Làm ăn năm nay như cứt. À, mà anh là...? 

-
Đây là anh Hà, bạn em. Đây là chú em anh Hà.

- À thế à... Hai anh em ở đây chơi ăn cơm với vợ chồng tôi. Ngoài kia mưa gió lắm.

- Thôi, cảm ơn bác. Bọn này quen gió mưa rồi. Về chứ chú. Chào Hạnh nhé, cố gắng mà hạnh phúc. (A hà hà )

Anh Hà cười sảng khoái, đứng dậy đi đĩnh đạc như con công ra cửa.

Cánh cửa khép lại, hất chúng tôi vào bóng đêm. Mưa phùn rất dày và cái lạnh như khoan vào mặt. Chúng tôi mới dò dẫm được mươi bước thì đằng sau đưa đến một loạt âm thanh. Đầu tiên là một tiếng "bốp" khô khan đùng đục. Anh Hà nói rít trong răng nhưng vô cảm: "Xong chai rượu". Một tiếng "xoảng" kéo dài - "Xong cơm dẻo canh ngọt". Tôi quay phắt lại nhưng anh Hà còn nhanh hơn, một tay anh tóm chặt cánh tay tôi kéo giật lại, tay kia vươn ra bịt chặt miệng tôi. Tôi quẫy đến tê dại cánh tay nhưng không thoát được. Anh Hà ghé sát tai tôi: "Đồ ngu. Mày làm vỡ chuyện bây giờ". Giọng anh Hà lạnh lẽo và buồn thảm khiến tôi tỉnh lại. Hai chúng tôi đứng thõng tay nhìn trân trân vào mặt nhau mấy giây. Anh Hà bảo: "Rút quân".

Bà già vẫn ngồi thu lu nhìn vào bóng mưa nhập nhòa. Chúng tôi lướt thướt chui vào quán.

- Vâng, bà cho con xin cái xe.

- Này. Vũ phu giữ vợ, lẳng lơ giữ chồng. Cập kênh mà vững như đồng, con ơi. Trai tài gái sắc xưa nay chỉ vờn nhau mà có ăn được nhau bao giờ.

- Vâng, bà dạy chí phải. Ăn được nhau rồi thì hết cả thú. Bà cho con gửi tiền này.

Mưa đầy mặt khiến chúng tôi cứ phải vuốt liên tục. Anh Hà vừa phóng xe, vừa khạc nhổ luôn mồm. Con đường sáng dần khi vào đến nội thành.

Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN