Vườn nhà mẹ giống như “vườn bách thảo” thu nhỏ với đủ thứ rau củ như bầu bí, mướp đắng, cà dưa, diếp cá, bạc hà, môn, đậu… xen lẫn với chúng là cây ăn quả và những khóm hoa cúc, vạn thọ hay hồng. Một khu vườn xanh um nhưng khá lộn xộn không theo một quy củ nào, ấy vậy mà mẹ chẳng bao giờ nhầm lẫn giữa khóm rau này với khóm rau kia mỗi khi muốn thu hái.
Trong các loại rau hoa mẹ trồng tôi thích nhất là giàn bầu nậm bởi chúng cho tôi và những trò chơi của tôi bóng râm mặc dù chúng có mùi hăng hắc không dễ chịu tí nào. Bầu nậm là loài dây leo, thân thảo, có tua cuốn để bám vào giàn. Lá hình tim rộng, không xẻ thùy. Lá rất rậm nên mẹ tôi phải thường xuyên tỉa thưa, phòng hờ rắn rít. Hoa bầu nậm màu trắng tinh tươi, mỏng mảnh. Cánh hoa có lông tơ và những đường gân xanh khá lớn nhưng cũng không thể giữ nó khỏi lả lơi trước gió.
Bầu nậm phân biệt đực cái rõ ràng. Hoa đực không có bầu noãn phía dưới. Quả có cổ thắt lại như bầu rượu, khi chín khô trên giàn vỏ hóa gỗ rất cứng nên được người ta làm bình đựng nước, đựng rượu và nhiều thứ khác.
Trời sinh bướm sinh hoa. Có hoa mà không có bướm thì làm sao hoa duy trì nòi giống. Nhưng thiên nhiên cũng không thực sự công bằng khi để bướm sinh ra sâu bọ phá hoại mùa màng, đục khoét vào sự gian lao, tần tảo của người quê chân bùn tay lấm.
Ở quê ít ai thu hái rau hoa mà để héo trước khi dùng bởi chúng không còn tươi ngon. Người quê rất thư thả trong việc này, cứ đến bữa mới cắp rổ ra vườn chọn hái mớ rau, quả cà hay bó đậu vừa đủ dùng cho bữa ăn đó mà không để dư dôi. Ngay cả con cá, con tôm cũng thế, người quê chỉ giăng lưới, thả câu vừa đủ dùng, không hào phóng vung tay quá trán bao giờ. Bởi chính họ chứ không ai khác hiểu rằng để nuôi, trồng được những thức ấy phải vất vả, gian lao đến nhường nào. Màu thu, vàng xuộm rồi khô đi. Đó là thời gian để mẹ tôi ươm một loại cây khác bởi theo mẹ phải xen canh thì cây trồng mới tươi tốt và năng suất mới cao.
Hình ảnh vườn cây xanh tốt đứng bên nếp nhà ba gian hai chái rất quen thuộc cả ba vùng quê Bắc Nam Trung, luôn làm cho người ta phải nhớ về mỗi khi gặp, mỗi khi phải cầu thực tha phương. Tôi cũng thế. Cũng bồi hồi, xao xuyến khi đứng trước những cây, rau, hoa na ná như cây, rau, hoa mà ngày trước mẹ trồng. Nó làm cho tôi nhớ và thương mẹ vô cùng. Càng nhớ và thương hơn khi với đồng lương ít ỏi, khi phải “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.