Phạm Anh Xuân - người đi 'lạc' trong miền thơ thiếu nhi

Từng là một cây viết nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế của báo Lao Động, Phạm Anh Xuân bất ngờ đến với thơ và gặt hái nhiều thành công với thơ thiếu nhi. Chỉ sau 5 năm kể từ ngày “gieo” những câu chữ đầu tiên, anh đã “bỏ túi” trên 600 bài thơ viết cho trẻ, được Công ty Đông A và Nhà sách Đông Tây mua bản quyền để xuất bản thành 4 tập thơ.

Chú thích ảnh
Bài thơ "Tuổi thơ có bà" của Phạm Anh Xuân được một em bé chuyển ngữ sang tiếng Đức. Ảnh: FBNV

“Bà đi chợ về/ Cháu chờ trước ngõ/ Bà ơi bà ơi/ Bánh đa vừng vỡ” (Tuổi thơ có bà). Những câu thơ ngắn gọn, súc tích như vẽ ra trước mắt người đọc cả một bầu trời tuổi thơ. Đó ngày còn bé đứng chờ bà đi chợ về để được nhận đồng quà, đồng bánh, ríu rít chạy theo gọi “bà”, tiếng bà cháu cười nói giòn tan trong nắng. Để rồi sau tất cả, tác giả nhận ra rằng “Tuổi thơ có bà/ Tuổi thơ còn mãi”.

Bài thơ nhẹ nhàng, dễ dàng đi vào trái tim con trẻ. Và một em bé người Việt đang sinh sống ở bên Đức khi nhận được đề tài của thầy giáo nước sở tại với đề bài: Dịch một bài thơ tiếng Việt sang tiếng Đức - đã không ngần ngại lựa chọn tác phẩm “Tuổi thơ có bà” của Phạm Anh Xuân. Bản dịch viết bằng tay, từng nét chữ nắn nót được gửi tặng lại cho nhà thơ đã nói lên sự trân quý đặc biệt dành cho tác phẩm của độc giả trẻ tuổi.

Chú thích ảnh
Những tác phẩm thơ của Phạm Anh Xuân được các độc giả nhí đón nhận nhiệt tình. Ảnh: FBNV

Trên trang cá nhân của Phạm Anh Xuân, mỗi ngày lại có một bài thơ mới được đăng tải. Tần suất đều đặn, vẫn lối văn phong tươi sáng, đơn giản tựa như món quà nhỏ dành tặng cho các bé. Và những độc giả theo dõi anh lâu ngày còn hay nói đùa với nhau rằng, phải chăng anh chính là nhà thơ đi “lạc”.

Cũng dễ hiểu cách gọi của độc giả thân quen và bạn bè dành cho Phạm Anh Xuân bởi thơ ca là một “lĩnh vực tay trái”, công việc chính hiện nay của anh là làm truyền thông cho một ngân hàng lớn. Ấy vậy mà từ bước chân “đi lạc” ban đầu, Phạm Anh Xuân lại ở lại với thi ca rất lâu. Bốn tập thơ lần lượt được được các nhà sách chọn in bao gồm: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Trồng nụ trồng hoa” và “Bởi vì yêu thương” và hàng loạt tác phẩm thơ lớn nhỏ khác được cộng đồng tìm đọc chính là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Kể về cơ duyên có được niềm cảm hứng để sáng tác nên những vần thơ cho trẻ, nhà thơ Phạm Anh Xuân kể rằng: “Trong những lần đưa con về quê thì các bé thường hay ngắm nhìn những đám mây qua ô cửa kính xe rồi reo lên, đám mây kia giống hình con vịt, đám mây khác giống hình con rồng. Sau đó nhớ lại tuổi thơ mình cũng thường hay nhìn theo những đám mây trên bầu trời rồi tưởng tượng ra con vật này, con vật như vậy nên tôi đã viết nên bài thơ Vườn thú trên bầu trời”.

Từ đây, cảm xúc cũng lớn dần lên, niềm cảm hứng đến với nhà thơ nhiều hơn. Mỗi chuyện vụn vặt từ những em bé vui đùa trước nhà, một nhành cây, ngọn cỏ cũng góp phần chắp bút cho nhà thơ sáng tác. Theo Phạm Anh Xuân, những năm tháng làm báo cũng giúp anh nhiều điều. Anh có cho mình vốn ngôn từ rộng lớn, biết cách sắp xếp bố cục, ý tứ cho mạch lạc, mượt mà.

"Bé nhìn dáng mẹ yêu thương
Nón mê đứng ở cổng trường đợi con
Nón mê bé đội xoe tròn
Bé như cây nấm lon ton cười đùa."

(Nón mê của mẹ - Phạm Anh Xuân)

Hay những bài học rất thực tế, không cần phải câu chữ mang tính “nghiêm minh” về ý thức giao thông công cộng:

“Đi đường cần quan sát
Sang đường phải tập trung
Bé tuân thủ luật lệ
Để giao thông an toàn.”

(Trích Đi đường cần tập trung)

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phạm Anh Xuân. Ảnh: NVCC

“Tôi càng viết thì tôi càng thấy một điều, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ dễ dàng truyền đạt đến trẻ con nhất. Từ ngày xưa, có những bài hát ru, bài đồng dao thì những vần điệu đó trẻ em tiếp nhận rất nhanh. Và một điều thú vị hơn là, với thơ, nhạc thì chính trẻ con có thể dạy cho nhau mà không cần có sự can thiệp của người lớn”. - Phạm Anh Xuân tâm sự.

Nghĩ như thế, Phạm Anh Xuân đưa hầu hết thế giới xung quanh vào thơ viết cho trẻ. Khi là chuyện vụn vặt từ những em bé vui đùa trước nhà, khi là tâm sự mông lung của tâm hồn thi sĩ trước thiên nhiên, cây cỏ. Khi là hình ảnh con anh đang chơi, khi là chính bóng dáng anh bên ông, bên bà ngày thơ bé.

"Ông dắt bé đi dạo
Dưới tán cây ven đồi
Níu tay ông bé hỏi
Rừng bao nhiêu tuổi rồi?
- À năm mươi năm trước
Ông trồng nhiều cây xanh
Nay rừng cho bóng mát
Chim muông về reo quanh."

(Trích Ông - cháu và Rừng - cây, Phạm Anh Xuân)

Hay

"Ông ơi ông ơi
Cùng chơi với cháu
Bé chạy đi náu
Ông phải đi tìm
Ú tim ú tim
...
Một thời tuổi thơ
Chơi trò thua thắng
Ông luôn thầm lặng
Nhường cháu niềm vui
Ông ơi ông ơi!"

(Trích Ông cháu ú tim)

Chú thích ảnh
Những tập thơ của nhà thơ Phạm Anh Xuân được Công ty Đông A và Nhà sách Đông Tây mua bản quyền xuất bản theo chân các bạn đọc nhỏ tuổi tới nhiều miền đất. Ảnh: FBNV

Dần dà, anh tìm được sự đồng cảm của chính các bậc cha mẹ, phụ huynh. Sau mỗi bài thơ, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ cảm giác như đang ngồi trên chuyến tàu ngược về tuổi thơ, trở về quãng thời gian tươi đẹp, hồn nhiên nhất. “Bài thơ không chỉ có ý nghĩa với các bé mà còn có ý nghĩa với người trưởng thành nữa anh ạ!”, hay “Hai cháu Bon Bim nhà em đang cười khanh khách cùng với Vui đến trường của bác Xuân. Cảm ơn bác đã cho các con buổi trưa vui vẻ!”, "Em toàn đọc sách bác trước lúc đi ngủ cho bọn trẻ con. Cảm ơn bác rất nhiều ạ"… Phạm Anh Xuân bảo đó là những nhận xét anh rất trân trọng bởi cha mẹ chính là “cây cầu” đưa thơ anh đến với các độc giả thiếu nhi.

“Bật mí” kinh nghiệm viết nhanh, viết hay thơ cho trẻ, Phạm Anh Xuân cười cho biết: “Khi viết thơ cho trẻ thì bản thân phải trau dồi không ngừng ngôn ngữ, kiến thức và quan trọng là chịu khó tương tác với trẻ để có thể nói được ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt là hiểu được cảm xúc của trẻ. Bài thơ phải chứa đựng trong những cảm xúc vui vẻ, tích cực, mọi vấn đề được đặt ra ở đầu bài cũng cần được giải quyết một cách trong sáng và tươi mới ở cuối bài. ”

Năm 2022, Phạm Anh Xuân đón tin vui khi thơ của anh có thể sẽ được đưa vào sách giáo khoa. Nhiệt huyết và tình yêu vô bờ bến dành cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước đã được ghi nhận. Từ đây niềm đam mê trong trái tim nhà thơ trẻ Phạm Anh Xuân chắc chắn sẽ còn "cháy" và nhiệt huyết hơn nữa. Và tâm hồn độc giả nhỏ tuổi cũng cứ thế được nuôi dưỡng bởi “biển” ngôn từ, giai điệu ngọt ngào, tự nhiên và trong sáng từ thơ của anh.

Bài, ảnh: Linh Chi
Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương: 'Tôi viết về nguồn cội dân tộc mình'
Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương: 'Tôi viết về nguồn cội dân tộc mình'

“Tôi viết cho chính đồng bào Dao của tôi, trước những chân giá trị của tổ tiên, trước biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hoá, tư tưởng để chúng tôi không bị mờ nhạt trước thời đại” - đó là chia sẻ của Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương, người dân tộc Dao - tác giả của tập thơ “Yao” vừa được trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ Nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN