- Mới mua à?
- Ừ, sang mời cô diễn viên tương lai đi ăn khao.
Chàng đưa nàng lên phố, hãnh diện vì mọi ánh mắt đều đổ dồn vào bông hoa xinh đẹp sau lưng chàng. Chàng phấn chấn.
- Hôm nay mình chén cho xe xẹp lốp luôn. Ðầu tiên là quẩy nóng, nem tai, nộm bò khô rồi đến chè thập cẩm. Anh đang nhiều tiền lắm, vừa kiếm được chỗ dạy thêm cho một thằng nhóc.
Ra đến chợ, họ ríu rít chuyện trường, chuyện lớp, chuyện nem tai, chuyện bạn bè của nàng mà trong đó không thể thiếu được mấy câu kể hài hước về vài anh chàng đáng ghét khoa quay phim cứ nhất định dúi cho nàng chiếc điện thoại di động để tiện gọi về quê làm nàng phải tìm đến tận lớp để trả lại. Chàng uống chè thập cẩm ừng ực như thể đang khát lắm, miệng lúng búng bình luận bâng quơ.
- Bọn quay phim ra trường cũng đến thất nghiệp. Ðiện ảnh bây giờ bão hoà rồi.
Nàng bác lại.
- Ai bảo anh là điện ảnh của mình kém. Mình vào vê kép tê ô rồi thì cái gì cũng sẽ phát triển, mà dân quay phim toàn con ông cháu cha cả, thất nghiệp sao được.
Chàng thấy nóng cả mặt, chắc cái bếp lò của bà hàng bún bên cạnh làm cho hai má chàng đỏ rực lên.
- Con ông cháu cha cũng chẳng làm gì. Thời đại công nghệ thông tin này cần năng lực là chính.
- Anh đã biết người ta thế nào mà nói người ta không có năng lực?
Cái bếp lò làm chàng nóng đến mức phải cởi cả áo khoác ra.
- Thì ai chả biết dân trường em toàn vào trường nhờ quan hệ.
Nàng đứng phắt dậy.
- Thế ra em cũng nhờ quan hệ à? Sao anh thiển cận thế?
- Vâng, anh thiển cận, nên mới đằng đẵng theo đuổi em suốt cả năm trời - Giọng chàng ấm ức như sắp khóc, còn nàng khóc òa vì ấm ức.
- Anh hối hận rồi chứ gì, thế thì từ nay ai đi đường người nấy, em cũng hối hận vì đã nhận lời với anh.
- Ðược, đường ai nấy đi, để xem em làm được trò trống gì với mấy cái phim rẻ tiền ấy. Ðừng tưởng có tí nhan sắc rồi nhờ vả vào mấy mối quan hệ mà kinh.
- Còn anh với mấy thằng bạn lập trình gầy giơ xương của anh cũng chẳng hơn gì.
Ðúng lúc đó, như định mệnh, một chiếc Dylan màu boóc đô phóng ẩu lách vào ngõ chợ làm tạt cả vũng nước cống đen ngòm lên người chàng. Chàng nhìn chiếc xe đạp mới kính coong lấm lem nước cống cảm thấy mình thảm hại hết chỗ nói. Có vẻ như cả cô bạn gái, mấy đứa choai choai ngồi ăn nem tai và tất tật khu chợ đang đổ dồn về phía chàng và biết hết cái thân phận nghèo nàn của chàng. Chàng hùng hổ dắt xe đi, được một đoạn, chợt nhớ ra, chàng quay lại.
- Lên đây tôi đèo về lần cuối cùng.
Nàng ngúng nguẩy.
- Không thèm. Yên xe bẩn thế kia ai mà ngồi được.
Câu nói đó là dấu chấm than cuối cùng khiến chàng đạp xe một mạch về ký túc xá.
Ðêm đó chàng không ngủ.
Ðêm đó nàng không ngủ.
Hai hôm sau, nàng nghĩ bụng “Lẽ ra mình không nên nói thế”.
Ba hôm sau, chàng ra bốt điện thoại công cộng. Mình nên xin lỗi cô ấy. Nhưng loay hoay thế nào chiếc xe đạp dựng vội của chàng đổ đánh rầm xuống đất. Chàng chạy ra nhấc nó lên. Những vệt nước cống vẫn lấm lem trên nước sơn màu xanh ngọc mà chàng quên mất chưa chùi đi. Và chàng, thay vì quay lại nhấc điện thoại, dắt xe về thẳng ký túc xá.
10 năm sau, nàng là một nữ diễn viên thành danh với số cát sê cao ngất ngưởng. Nàng lấy chồng rồi sinh con. Một người chồng thành đạt và một gia đình hạnh phúc mà tất cả các fan hâm mộ đều mơ ước.
20 năm sau, nàng giành được lúc lỉu giải thưởng quốc tế từ Cành ô liu vàng, Lá phong vàng cho đến Bông cúc vàng. Một ông đạo diễn người Mỹ sau khi xem bộ phim nàng đóng được trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes đã mời nàng vào vai chính. Bộ phim này sau đó được đề cử tới 14 giải Oscar và nàng giành được giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nàng lên trang bìa của tạp chí People, Glamour, Elle và được bình chọn là một trong tứ đại mỹ nhân châu Á. Tuy nhiên có một điều bí mật nàng chưa bao giờ trả lời thật khi các phóng viên hỏi nàng về những phút xuất thần trong diễn xuất. Ấy là khi phải diễn những trường đoạn tâm đắc, nàng lại nhớ đến vị ngọt ngào của ly chè thập cẩm và những giọt nước mắt thất vọng lúc ngó ra hành lang ngóng chiếc xe đạp màu xanh ngọc. Ðôi lúc nàng vẫn lẩm bẩm một mình “Ngày ấy, mình không nên nói như thế. Không biết cái đồ cứng đầu cứng cổ bây giờ ở đâu, khéo về quê chăn gia cầm rồi cũng nên. Có khi cái vô tuyến không có mà xem, làm sao nhìn thấy mình như bây giờ để mà hối hận”.
40 năm sau, nàng vẫn đẹp tuy tóc đã đầy sợi bạc. Một công ty truyền hình tư nhân mới thành lập mở đầu chiến dịch PR bằng cách bắc cầu truyền hình quốc tế vào đêm giao thừa. Vợ chồng nàng được mời đến với tư cách là khách danh dự. Giọng MC đầu kia cất lên.
- Xin chào tất cả quý vị. Bây giờ ở New York vẫn đang là 11 giờ trưa. Và chúng ta sẽ cùng nhau chuẩn bị chào đón bình minh của năm 2040. Trước mặt tôi là 10 người Việt tiêu biểu thành đạt trên nước Mỹ. Xin giới thiệu người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 20 CEO thành công nhất Hoa Kỳ.
Nàng lấy làm tiếc vì đã quên mang theo kính nên nhìn không rõ người đàn ông vừa được giới thiệu và vợ ông ta. MC tiếp tục.
- Ðược biết ông bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, lý do nào khiến một sinh viên nghèo lại trở thành một trong những giám đốc điều hành hàng đầu của thung lũng Silicon?
Người đàn ông đứng lên, dáng vẻ lịch lãm.
- Bốn mươi năm về trước, tôi có mối tình đầu. Lúc đó vì những tự ái của tuổi trẻ mà chúng tôi chia tay nhau. Nhưng suốt những năm tháng sau này, bất cứ khi nào đứng trước khó khăn, tình yêu của tôi đối với cô bạn gái ấy và lòng tự ái đã khiến tôi vượt qua tất cả. Tôi vẫn luôn theo dõi những bước đường của cô ấy và biết rằng bây giờ cô ấy cũng rất hạnh phúc.
Chồng nàng lúng túng rút khăn mùi xoa đưa cho nàng.
- Anh đã bảo em rồi. Tuổi của em không nên đi xem những cảnh xúc động. Nín đi em. Người ta là người dưng ấy mà, có liên quan gì đến mình đâu.
Câu chuyện thứ hai
Hai người mẹ trẻ là bạn thân, cùng có con đầu lòng bằng tuổi nhau, và ngày chủ nhật họ thường ngồi tán gẫu ngoài phòng khách trong khi hai đứa trẻ chơi trong phòng ngủ. Năm đó cậu bé và cô bé lên năm tuổi. Cậu bé bảo cô bé.
- Mẹ tao bảo sau này mày phải cưới tao.
- Cưới mày có nhiều đồ chơi không.
- Nhà tao có đầy, tao cho mày tất.
Cô bé phấn khởi.
- Mình cưới luôn đi, vì ngày mai tao phải đi học.
Cậu bé hưởng ứng.
- Ừ, cưới luôn, mai tao cũng phải đi học.
- Nhưng tao xem đám cưới trên vô tuyến thấy người ta có cả chai rượu phụt lên trời.
Cô bé nảy ra sáng kiến lấy chai nước hoa của mẹ rồi phun lên cả người mình lẫn người cậu bé. Cậu bé thích chí cũng giúp đỡ “mở rượu”. Nửa tiếng sau người mẹ chạy vào, thấy phòng ốc tan hoang, lọ nước hoa đã cạn sạch, bà rên rỉ.
- Trời ơi. Bố nó mua lọ nước hoa này tận bên Tiệp - Rồi bà hét lên - Ðứa nào bày ra trò này?
Cô bé sợ quá khóc òa lên.
- Không phải con.
Cậu bé mặt tái xanh, liếc nhìn cô bé rồi lí nhí: “Cháu đấy ạ” và cũng òa khóc.
Khi hai đứa trẻ vào lớp một, chúng được xếp vào học cùng một lớp và cứ thế học cùng nhau cho đến năm 13 tuổi. Một lần cậu bé sang chỗ ngồi của cô bé.
- Mẹ tớ bảo tớ phải chuyển trường. Tớ có cái này tặng ấy.
Cậu bé dúi một chiếc cặp nơ vào tay cô bé, mặt buồn rười rượi. Cô bé mỉm cười.
- Không học cùng nhau nữa nhưng tớ với ấy vẫn là bạn.
Và quả thật, chúng vẫn sang nhà nhau chơi và thậm chí có lần cô bé bị gã thanh niên hàng xóm chọc ghẹo, cậu bé hiền lành đã nhảy vào sống mái đến nỗi sứt một miếng răng cửa.
Năm cả hai vào đại học, cậu bé đã là một thanh niên cao lớn và cô bé trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Họ gặp nhau ít dần nhưng vẫn là bạn. Có một lần chàng qua trường của cô.
- Người ta vừa mua hai vé xem phim Người hùng thành Troy có Bratt Pitt đóng, đi không?
Cô gái cười tươi như hoa.
- Ði chứ, chờ người ta học nốt tiết cuối nhé.
Chàng trai kiên nhẫn đứng chờ. Một lát sau, cô gái đi ra cùng một tốp bạn, trong đó có cậu con trai tóc nâu mà hôm sinh nhật cô mang đến 18 bông hồng đỏ thắm. Cô gái tiến về phía người bạn học cũ.
- Người ta xin lỗi nhé, lớp cũng có một chương trình khác. Thử về nhà rủ mẹ người ta đi cùng xem. Mẹ cũng thích Bratt Pitt lắm ấy.
Trời đang rất lạnh, mà cha chàng dạy rằng đàn ông thì nên ga lăng. Chàng bèn cởi áo khoác ra cho cô bạn rồi cười tươi như hoa khi cô vẫy tay từ yên sau xe của cậu con trai tóc nâu. Chàng nói với theo.
- Cứ yên tâm, người ta sẽ về rủ mẹ đi xem cùng.
Năm họ 25 tuổi. Cô gái kết hôn. Dĩ nhiên, chàng trai, người bạn thân nhất của cô gái cũng có mặt. Ðây là một trong những đám cưới sang trọng nhất thành phố. Họ phụt pháo giấy, mở sâm panh và chúc rượu. Chàng trai chúc bạn mình hạnh phúc mãi mãi. Cô dâu cười giòn tan, giọng trong vắt như ly thủy tinh đựng sâm panh vàng óng ánh, bông đùa.
- Còn nhớ ngày xưa chúng mình bị phạt vì cái tội lấy nước hoa làm sâm panh không? - Rồi vội vàng sang bàn khác chúc rượu.
Chàng trai cười vui vẻ, rồi có lẽ do những món ăn trên bàn tiệc không hợp bụng dạ sao đó, chàng lặng lẽ rời bữa tiệc.
10 năm sau, cô gái ly dị chồng. Cô tìm đến chàng, gục đầu lên vai người bạn thân khóc như mưa như gió.
- Chỉ có cậu là hiểu mình.
Chàng vỗ về.
- Không sao đâu mà. Lúc nào mình cũng ở bên cạnh cậu.
Cô nức nở.
- Ngay ngày mai, mình sẽ cưới một người đàn ông khác cho bõ ghét - Rồi cô ráo hoảnh - Mà sao cậu cũng không lấy vợ đi. Cậu định đi tu đấy à?
Chàng trai cười xòa và 5 năm sau đi dự tiệc cưới thứ hai của cô gái, lúc này đã là một nữ đại sứ. Nửa năm sau đó, chàng cũng kết hôn.
Họ đã 65 tuổi. Họ đã có đầy đủ cháu nội và cháu ngoại, nhưng vợ chàng không may mất sớm. Một ngày xuân ấm áp, nàng chợt nhớ ra người bạn cũ. Nàng tìm đến địa chỉ nằm trên tầng 36 một khu chung cư hiện đại. Chàng tóc đã bạc trắng, ngồi lặng lẽ trong khu vườn nhân tạo ba bề là kính. Nàng cất tiếng chào.
- Con cái đâu mà để ông ngồi một mình thế này?
Chàng cười buồn bã.
- Chúng đi làm đi học hết rồi chứ ở nhà với mình làm gì. Còn bà thế nào?
Nàng bắt đầu kể lể, những phàn nàn về sự bận rộn của con, của cháu, sự vô tâm của chồng, sự trái tính trái nết của bà mẹ già, sự nhạt nhẽo của những người bạn cũ, sự ô nhiễm môi trường và cả cái chân ngày càng đau nhức. Nàng cứ nói mãi, nói mãi và chàng chăm chú lắng nghe. Thốt nhiên, nàng hỏi.
- Bao nhiêu năm qua tôi với ông là bạn. Cứ lúc nào tôi cần đến là ông có mặt. Ông luôn nghe tôi nói. Thế ông không nói điều gì cho mình à?
- Có chứ - Người bạn cũ trả lời.
- Là gì vậy? - Nàng mở to mắt.
Người đàn ông xoay tít tách cà phê nóng trên cái đĩa.
- Ông cứ nói đi, tôi đang nghe đây - Nàng nói nửa khuyến khích nửa ra lệnh.
Người đàn ông nắm chặt tách cà phê.
- Suốt bao nhiêu năm qua, tôi chỉ mong một lần được bà gọi bằng anh và xưng em.
Chùm truyện ngắn của Dili