Mưa “gieo cải gieo ngò”…

Tháng Một. Rồi tháng Chạp. Miền Trung không còn những trận mưa lê thê, sầm sập trắng trời. Mưa là là, nhè nhẹ, êm êm: Chợt đến, chợt đi như người đang đánh giấc lơ mơ, thỉnh thoảng lại choàng lên khỏi cơn sa đà mộng mị.

Người già nhìn ra sân, buông thõng:

- Mưa gieo cải gieo ngò rồi đây!

Thanh âm giọng nói vui vui, nhẹ nhõm như một tiếng thở phào!

Mưa “gieo cải gieo ngò” nghĩa là trời đã thuận, đã yên, không còn nơm nớp lo lụt bão, thiên tai. Mưa gieo cải gieo ngò cũng có nghĩa là mùa đông sắp qua, mùa xuân đang đến; và, mơ hồ đâu đây trong tiếng chim rụt rè buổi sáng, thanh âm cái Tết đã cận kề…

Tại sao lại gọi mưa “gieo cải gieo ngò”? Ấy là những cơn mưa phùn, là là nhè nhẹ bay vung trăm nghìn triệu hạt bụi nước li ti, trông xa giống hệt nắm hạt ngò hạt cải đang được vung gieo. Còn nữa; ấy cũng là những cơn mưa báo hiệu cho “nhà vườn” thời điểm có thể bắt đầu đánh luống, ra quân trồng các loại rau xuân (kể luôn ngò cải, tất nhiên!). Nông thôn xưa, ngoài chuyện canh tác ruộng đồng, không mấy ai không dành một vạt đất nhà để trồng rau. Nền kinh tế “tự cung” khiến người quê phải chuẩn bị một qui trình khép kín về nỗi lo sự mặc, sự ăn.

Chuyện mang tiền ra chợ mua rau bị xem như hành vi… cực kì lãng phí! Suốt cả mùa đông, nhưng bì hạt giống rau phơi khô, gói kĩ từ mùa rau trước được treo lòng thòng gác bếp, lủng lẳng mái hiên, chờ hễ đến mưa “gieo ngò gieo cải” là người quê hò nhau dỡ đất, đập tơi, lên luống trồng rau. Mà rau gì rau, chắc chắn vườn nào cũng phải có thêm luống cải luống ngò! Ngày xưa, chỉ vụ Tết mới được ăn rau cải, rau ngò. Các thời điểm khác trong năm không thể trồng ngò, cải. Mâm cơm có tô canh hăng hăng mùi cải, chén mắm cay cay vị ngò nhắc đứa trẻ quê rằng cái Tết chẳng còn xa; rằng mùa đông u ám đã đi qua, nhường chỗ cho xuân vui đang đến với muôn nhà!

… Đất vun thành “rò”, thành luống mịn tơi. Từng nắm hạt cải, hạt ngò gieo vung theo gió bay bay. Người gieo. Trời cũng gieo. Từng đợt mưa là là gieo xuống đất hơi thở mùa xuân. Con người và cả đất trời, tất cả dường như đang chung lòng, chung sức ươm mầm cho sự sống lên xanh. Sự sống bắt đầu từ Mẹ Đất, từ tay người cần mẫn xới vun, từ những hạt mưa “gieo cải gieo ngò”…
Y Nguyên
Ao cũ quê xưa
Ao cũ quê xưa

Xưa có câu đố vui về cái váy của người phụ nữ nông thôn “Cái thúng mà thủng hai đầu / Bên ta thì có bên Tàu thì không”. Bà tôi thuộc thế hệ mặc “cái thúng thủng hai đầu” này bảo người xưa châm biếm vậy để phản kháng quân xâm lược phương Bắc muốn đồng hóa dân ta bằng cách bắt đàn ông không được cắt tóc, đàn bà không được mặc váy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN