“Cái thúng” này được các cụ ông xưa gọi là cái “ộp”. Chả phải tiếng tây tiếng u gì mà chỉ là từ tượng thanh để mô tả tiếng ộp oạp của không khí bị bịt kín trong “cái thúng” khi người ta tắm giặt. Để cái “ộp” được kín bưng như vậy, vải sau khi được nhuộm bằng nước củ nâu, được đem ngâm vài ngày trong bùn. Ao hồ để lấy bùn thì ở đâu chả có. Nhưng cái ao sau vườn nhà tôi thì chả có ở đâu. Vì nhờ cái ao này ngày xưa bà tôi đã quen ông tôi sau nhiều lần đến nhờ lấy bùn về nhuộm vải. Hơn 20 năm sau con trai của ông bà đã cứu được cô hàng xóm ngã xuống cầu ao bờ đối diện.
Sau mỗi sự kiện thiên định này đàn cá dưới ao lại được dịp chen nhau loang loáng ánh bạc dưới cầu ao để đớp những quầng mỡ lợn mỡ gà người ta mổ thịt làm đám cưới…
Khi tôi đến tuổi học trường làng còn thấy cái cối giã củ nâu và cái chậu đựng bùn nhuộm vải của bà tôi - cô thôn nữ đi xin bùn xưa - để ở góc vườn. Cái cầu ao nhà bà ngoại ở bờ đối diện, nơi mẹ tôi trượt chân ngã năm xưa, nay đã được thay tre bằng ván gỗ. Bên bờ ao cây sung già vẫn kín quả quanh thân. Hoa mướp và giây tơ hồng rải vàng trên hàng rào dâm bụt điểm màu hoa đỏ.
Có cô bé nhà bên thường chui hàng rào qua bờ ao cùng tôi tha thản chơi trò buôn bán, dạy học, trốn tìm… Lúc “phân vai” cãi nhau chí chóe. Đứa nào cũng thích vai “bề trên” đòi làm thầy, cô giáo, không chịu nhận phận học trò. Chỉ có trò chơi đám cưới là giới tính đã mặc định phân vai, không phải cãi nhau để đòi vai diễn. “Cô dâu” mặt rạng ngời vì được đội vành khăn vàng kết bằng giây tơ hồng điểm hoa mướp đực. “Chú rể” vừa một tay quẹt mũi, một tay tặng cô dâu bó hoa dại đủ loại mọc ven bờ…
Nhưng đàn cá mương không được dịp chen nhau loang loáng ánh bạc dưới cầu ao để “ăn mừng” đám cưới. Vì khi tôi “cơm nắm muối vừng” lên trường Huyện học thì trò chơi kết thúc. Rồi lênh đênh góc bể chân trời theo giòng đời đầy vơi năm tháng. Ngày về thăm quê ao xưa không còn nữa. Chỉ còn thấy nhà liền nhà lố nhố thấp cao.
Sau trận mưa chiều nước dâng ngập xóm tôi bì bõm lội lần tìm vết tích ao xưa. Không còn cái cối giã củ nâu, cái chậu đựng bùn ngâm vải, cái cầu ao trơn trượt để con cháu tôi được nghe kể về nội - ngoại hai bờ. Không còn cái cọc cầu ao bóng đen, nhẵn thín tôi vịn tập bơi để vào đời biết bơi sông bơi biển. Không còn hoa dâm bụt đỏ, hoa mướp vàng để nhớ về “chú rể” vừa quẹt mũi lòng thòng vừa tặng hoa cho “cô dâu” trong trò chơi đám cưới….
Và, mất nhiều hơn cả là không còn ao nên mỗi lần mưa quê tôi lại ngập nước mênh mông.