Ngày ấy, làng tôi với những mái nhà tranh mọc san sát, hàng dừa xanh đứng kiêu hãnh cùng lũ con đầu tròn trọc lóc. Hàng rào là những cây cỏ dại, sải chân một bước là tới nhà bên kia. Nhà tôi thuộc dạng khá giả trong làng, và là ngôi nhà cấp bốn đầu tiên của làng. Và đặc biệt những cánh cửa gỗ sau nhà tôi, là nơi tụ tập của bọn trẻ trong làng. Chúng tôi chơi đủ thứ trò, tiếng cười, tiếng học vần ê a làm rộn ràng cả cái xóm nhỏ.
Chúng tôi rất thích chơi trò dạy học. Một lớp học của chúng tôi thường bảy đứa, không phân biệt độ tuổi, năm tuổi có, tám tuổi có. Và nhỏ Thơm bên cạnh nhà lớn hơn tôi một tuổi, được chúng tôi “bầu chọn” là cô giáo. Từng cục gạch được xếp hàng ngay ngắn làm chỗ ngồi cho chúng tôi, còn phấn là những cục than trong bếp, bảng là cánh cửa gỗ phía sau hè, cây thước là thanh tre vót sẵn của ông nội tôi, thường dùng để chẻ lạt, cho bà gói bánh chưng.
Chúng tôi được đánh vần, làm toán dưới sự hướng dẫn của “cô giáo”. Những con số, bài thơ được viết nguệch ngoạc đầy trên cánh cửa gỗ. Chúng tôi đánh vần theo nhỏ Thơm như một bầy vịt ngoan ngoãn. Và sau đó, lần lượt từng đứa cầm “phấn” lên bảng tập viết, khi thì chữ o, chữ ô, khi thì những con số, chữ và số lẫn lộn.
Sau mỗi buổi học ở nhà tôi, đứa nào cũng lấm lem vì dính than, có đứa dính luôn lên áo, lên mặt. Và chúng tôi xếp hàng dưới gốc ổi, bên vại nước, để “cô giáo” lần lượt rửa cho từng đứa một. Trò chơi dạy học có vẻ không được sạch sẽ lắm, bởi tay chân chúng tôi lúc nào cũng bẩn. Nhưng chúng tôi thấy rất vui. Vui vì lần lượt trả lời được những câu hỏi của “cô giáo”, được vỗ tay hoan hô, vui vì sau mỗi trò chơi ấy, chúng tôi biết đánh vần được một số câu thơ, biết đọc mấy chữ số trên những vật dụng trong nhà.
Mỗi khi trời mưa xuống, chúng tôi đành cắt ngang trò chơi dạy học. Và chiếc bảng có những nét chữ, con số màu đen ấy cũng ướt chẹp nhẹp trong mưa. Hết mưa, chúng tôi phải kỳ cọ rất kỹ, đợi khô rồi nét chữ mới chồng lên nét chữ cũ.
Thấy chúng tôi ham học, bố tôi dùng tấm gỗ cũ để đóng một cái bảng, và mua về cho chúng tôi những viên phấn màu trắng để tập viết, tập đọc. Và sau mỗi buổi học như thế, chúng tôi không còn lấm lem mặt mũi nữa.
Rồi chúng tôi lớn lên. Cứ nghĩ đó là một trò chơi tuổi thơ, nhưng nó chan chứa biết bao kỉ niệm mỗi khi về quê. Nhỏ Thơm nhà hàng xóm đã trở thành cô giáo, dạy học trên thành phố xa tít tắp. Vài ba năm chúng tôi mới có dịp gặp nhau một lần. Và trong số những đứa cùng chơi trò dạy học đó, có đứa trở thành bác sỹ, kế toán, có đứa gắn bó với sông nước, ruộng đồng...Mỗi người gắn với mỗi nghề mà mình đã chọn.
Và cái thời viết chữ bằng than đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng cái màu đen nhánh của những cục than, và những bài học vần đầu tiên, sẽ mãi là kỉ niệm đẹp của tuổi thơ chúng tôi.