Dượng tôi

Vậy là cũng đã đến những ngày hè, Chi ngồi giữa thành phố nhìn những đám mây bay trên bầu trời và nghĩ vẩn vơ. Bỗng thấy nhớ nhà quay quắt. Nơi ấy giữa bát ngát trời đất bao la là màu xanh trù phú của núi rừng, của đồi cọ xoè ô, của hương chè thơm mát. Để rồi rẽ lối rừng đi mãi sẽ bắt gặp một ngôi nhà nhỏ, nơi tháng năm tuổi thơ Chi tha thẩn ngồi chơi đồ hàng một mình, để thẫn thờ bao mùa nắng đi qua…

Dượng ốm, mẹ điện xuống từ lúc chiều nhưng Chi không về được vì còn bận một vài môn thi nữa trước khi về nghỉ hè một tháng. Từ lúc nghe tin dượng ốm, lòng Chi bất ổn vô cùng. Dượng vốn khỏe mạnh, quanh năm làm hùng hục ngoài rừng chẳng mấy khi có thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Mẹ Chi hay ốm yếu, nhiều bệnh tật nên tất tật mọi việc đều do tay dượng gánh gồng, chèo lái. Đã ba năm nay, từ khi dượng về ở cùng nhà, dượng là chỗ dựa vững chãi cho hai mẹ con Chi trong cuộc sống còn nhiều khó khăn này. Càng nghĩ, Chi càng thương dượng, càng cảm thấy có lỗi với dượng nhiều hơn.

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP


… Ba năm trước.

Cũng vào một buổi chiều mùa hè như thế này, khi những cơn gió mát thổi từ phía rừng xuống cánh đồng cũng là lúc công việc đồng áng của một ngày dài đã xong xuôi, Chi xuống mương rửa chân tay, trong đầu còn đang nghĩ vẩn vơ về kỳ thi đại học sắp tới thì trên đường cái nhỏ một tiếng nói vọng xuống:

- Mày còn ở đấy làm gì hả Chi. Không về mà mổ gà đãi dượng đi à?

Chi ngẩng lên nhìn thì bóng người đã đi khuất sau bìa rừng trước mặt. Một nỗi tức giận mơ hồ trỗi dậy, cô xắn quần cao gối, phăm phăm đi ngược hướng cánh đồng. Những suy nghĩ về cuộc đời, về kí ức tuổi thơ, về một người cha mang án cướp của, giết người rồi chết trong trại giam cùng với bao lời đàm tiếu như thế vẫn còn chưa đủ hay sao mà mẹ còn đi bước nữa. Càng nghĩ, Chi càng thấy nỗi uất hận trào lên cổ, cảm giác như hai chân đang quỵ xuống, mười ngón chân vẫn còn lấm lem bùn dường như không còn đủ sức bám trụ lên mặt đất. Tim đập mạnh, nước mắt bắt đầu chảy ra, Chi oà khóc như đứa trẻ trên con đường mòn giữa rừng không một bóng người qua lại. Chỉ có gió vẫn thổi liên hồi vào lá, chỉ có lá vẫn thảnh thơi rơi xuống cỏ, chiều vẫn xuống nhẹ nhàng nhưng trong lòng Chi là một cơn giông lớn.

Dượng ngồi trong nhà, nỗi lo lắng làm dượng như nhỏ đi hẳn so với vóc dáng to lớn, khỏe khoắn ngày thường. Chi sầm sầm đi vào nhà hết nhìn mẹ lại nhìn sang phía dượng, uất ức không nói nên lời. Mãi một lúc sau, khi đã trấn tĩnh được, Chi quay sang nói với mẹ:

- Ý con như thế nào thì mẹ cũng đã biết rồi, nếu mẹ và bác cứ quyết định đến với nhau thì con cũng chẳng biết làm gì được. Nhưng con sẽ ra khỏi cái nhà này, con không muốn ở lại đây thêm một giây phút nào nữa. Với con như thế là đã quá đủ rồi, con không thể chịu đựng được nhiều hơn nữa.

Mẹ ngồi lặng câm ở đầu giường, mẹ đã khóc, rõ ràng là Chi đã nhìn thấy mẹ ngồi khóc. Nhưng trong lòng Chi lúc này chỉ có nỗi tức giận, buồn tủi. Chi vào buồng nhét tất cả quần áo, sách vở vào chiếc ba lô đã cũ, cô không có ý định để lại đây một thứ gì. Dượng đứng dậy chắn ngang cửa ra vào, giọng run run:

- Muộn thế này con còn định đi đâu? Ngoài kia rừng rậm, có bao điều chẳng lành, dượng xin con có gì cứ từ từ nói chuyện.

Chi hất tay dượng và gào lên:

-  Tôi xin ông hãy để cho mẹ con tôi yên. Ông không thấy mẹ con tôi đã quá khổ, quá tai tiếng đến không thể ngẩng mặt lên rồi đấy sao. Ông có biết người ta đang đồn ầm lên không? Người ta bảo mẹ tôi bám lấy ông để bòn mót từng đồng tiền thương binh mỗi tháng của ông đấy.

Mẹ thét lên:

- Chi! Có thôi ngay đi không. Con mà còn nói nữa là mẹ chết cho mày xem.

Rồi mẹ bưng mặt chạy tít ra con đường mòn quanh co trong rừng rộng. Buổi tối ở đâu cũng đáng sợ nhưng những buổi tối trong căn nhà của Chi nằm giữa rừng càng âm u đáng sợ hơn nhiều. Dượng chạy theo mẹ bỏ lại mình Chi ngồi bơ vơ trong căn nhà của chính mình, một cảm giác cô đơn tột độ, tưởng chừng như không thể bấu víu vào đâu được nữa.

Chi nhớ về những tháng ngày tuổi thơ lẽo đẽo một mình đến trường, không có một đứa bạn nào chơi cùng. Đi đến đâu chúng cũng ném đất đá vào Chi:

- Đánh chết nó đi, đồ con nhà giết người cướp của.

Đến trường chúng nó xé sách vở và viết chữ bêu riếu trên bảng đen, trên thân cây hay giữa sân trường rộng lớn. Nhiều hôm Chi đi học về ôm mẹ khóc nức nở:

- Mẹ ơi, con không đi học nữa đâu. Từ mai con ở nhà với mẹ.

Chi nhớ mẹ đã ôm Chi vào lòng và khóc:

- Con có đau ở đâu không?

Để rồi sáng hôm sau mẹ đưa Chi đến trường trên chiếc xe đạp đã cũ, phát ra những tiếng kêu ong óc, dân làng ai cũng chỉ trỏ, bàn tán nhỏ to. Nhiều người còn lấy đất ném vào mẹ, bọn trẻ con cũng thế. Để rồi đằng trước mẹ khóc, ngồi sau Chi khóc, nhói đau suốt quãng đường dài đến trường. Nhưng mẹ bảo:

- Dù thế nào con cũng phải đến trường. Phải học để làm người, để đừng như bố con và học để sau này còn ngẩng đầu lên được.

Từ hôm ấy Chi đòi mẹ được một mình đi học, bất chấp mọi lời chửi rủa nào và hễ bất cứ đứa nào dám cầm đất ném Chi thì cô cũng sẵn sàng lao ra đánh lại. Để rồi biết bao ngày trở về nhà trong quần áo xộc xệch và mặt mũi nhem nhuốc. Mẹ khóc rất nhiều vì thương Chi nhưng Chi thì tuyệt nhiên không bao giờ khóc nữa. Cho mãi đến tận sau này khi mẹ quyết định đi bước nữa.

Bố Chi từng là người đàn ông vạm vỡ và tháo vát nhất làng, những năm đói kém bố ngược xuôi kiếm cơm nuôi hai mẹ con. Nhưng sau mỗi chuyến đi bố trở về ít dần dù tiền bố gửi về ngày một nhiều. Nhưng như thế không làm mẹ vui hơn. Hai mẹ con sống lo lắng với những đồng tiền bố gửi về theo từng tháng. Đêm, mỗi khi chợp mắt mẹ hay mơ những cơn ác mộng, nhiều khi tiếng mẹ thét vang khắp cánh rừng, Chi mở mắt ra thấy mẹ đang ngồi ôm mặt khóc. Rồi đến một ngày người ta báo tin dữ, bố đi buôn lậu bị thua lỗ nên theo bọn xấu đi giết người cướp của. Người thì bảo bố đang ở trong tù, người thì bảo bố đã chết mất xác trên biên giới, cũng có người bảo bố không bị bắt mà đã vượt biên sang Trung Quốc mất rồi… Chỉ có mẹ với trái tim của một người vợ mới biết rằng bố đang gặp nạn. Rồi vào chính cái hôm bố chết trong tù mẹ ở nhà khâu áo cho Chi, kim đâm vào tay chảy máu. Mẹ một mình sống mòn mỏi hơn chục năm trời để nuôi Chi khôn lớn thành người. Nhiều lúc mẹ bảo:

 
- Mẹ sống được là nhờ còn hy vọng vào con. Nhất định sau này con phải sống cho nên người.

Trong suốt khoảng thời gian đó chỉ có một người đàn ông trong làng hay qua lại giúp đỡ hai mẹ con những việc cần đến bàn tay một người đàn ông, như lợp nhà, dựng chuồng lợn hay đào giếng. Thi thoảng người đàn ông ấy cũng ở lại ăn với hai mẹ con bữa cơm đạm bạc, cũng thi thoảng trong những đêm mưa người đàn ông ấy lại xách cho mẹ vài con ếch để hôm sau nấu nồi canh chuối. Ngày giỗ bố, vị khách duy nhất cũng chính là người ấy, ngày đổi mả bố cũng chính tay người ấy đi bốc mộ. Sau này Chi gọi người đàn ông ấy là dượng, sau này chính người ấy đã về sống trong một nhà với mẹ con Chi mặc bao lời đàm tiếu. Sau này cũng chính người ấy là người Chi kính trọng như bố đẻ. 

                                                                                                          *

                                                                                                    *        *

Bóng tối đã sà xuống thành phố rất lâu rồi mà Chi vẫn ngồi một mình ngoài ban công khu ký túc và nghĩ. Nghĩ về người mẹ ốm yếu, về dượng - người hàng tuần vẫn đạp xe mấy cây số ra bưu điện để gọi điện cho Chi hỏi: Con dạo này có khỏe không? Học hành có vất vả lắm không? Tiền mẹ gửi xuống có đủ để chi tiêu không? Và dặn Chi thi thoảng nên đi chơi đâu đó cho khuây khỏa, mua hoa quả về ăn cho đủ chất và mỗi ngày phải uống ít nhất hai lít nước. Chi biết để có được số tiền chu cấp cho Chi ăn học mỗi tháng, dượng đã rất vất vả, làm lụng suốt ngày, nhiều khi dượng phải đi đào ao thuê cho hàng xóm. Mỗi lần trở về thấy dượng vất vả, Chi ngỏ ý muốn đi làm thêm thì chính dượng lại là người can ngăn đầu tiên. Dượng bảo:

- Việc của con bây giờ là lo học hành, biết cái gì mà đi làm thêm. Đừng tham vài đồng tiền mà bỏ bê việc học hành sau này muốn lấp cái chỗ trống kiến thức ấy cũng không lấp nổi đâu con ạ. Việc tiền nong cứ để mẹ và dượng lo là được rồi. Mỗi tháng chưa đầy triệu bạc sức dượng thế này con sợ gì dượng không lo nổi.

Rồi dượng cười, nhưng Chi nhận ra so với ba năm trước thì gánh nặng lo toan đã làm dượng già yếu đi nhiều lắm. Càng nghĩ, Chi càng thương dượng hơn, càng ân hận về những gì cô đã từng gây ra cho dượng. Mẹ điện xuống bảo dượng ốm nặng, bảo đưa dượng đi viện nhưng dượng bảo đi viện tốn tiền, cứ ở nhà nghỉ vài hôm thế nào cũng khỏi. Chi khẽ áp chặt bàn tay mình nơi ngực trái, thấy một nỗi đau như đang giày vò, cào xé, như muốn trỗi dậy khỏi thịt da. Mắt ứa cay nhìn ra mênh mông trời đất chỉ thấy những ngôi nhà cao tầng, chỉ thấy những ngã tư xanh đỏ. Biết đâu là hướng nhìn về ngôi nhà nhỏ bé trong bạt ngàn thăm thẳm… Nhưng có một điều chắc chắn Chi làm, Chi sẽ về để được đi khấp khởi trên con đường mòn về ngôi nhà bao tháng năm lợp bằng lá cọ, nơi ấy có hai trái tim đang từng ngày ngóng chờ bước chân Chi. Mẹ sẽ lại dẫn Chi ra vườn hái rau ngải về nấu cháo cho dượng ăn, Chi sẽ giục dượng phải đi bệnh xá thì mới mau khỏi bệnh. Rồi chè sẽ thơm hương, cọ lại xòe ô che nắng, cây cỏ mướt xanh…

KTX  6/ 2009

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN