Hơi gầy. Da đen nhẻm. Nét khắc khổ không đủ tài để làm lu mờ nụ cười bao dung và nét cởi mở của gương mặt. Chị là mẫu người chịu thương chịu khó, hay làm, hay giúp đỡ nên hàng cá của chị lúc nào cũng đông nghẹt người.
Từ sớm tinh mơ cho đến chiều tối công việc của chị luôn gắn liền với con cá, con tôm. Chợ tan là dong đò buông câu, giăng lưới, bữa ăn cũng vội vội vàng vàng. Cá sông hồ lên đời từ khi có sự cố môi trường biển vài tỉnh miền Trung nên công việc của chị càng dồn dập.
Chị đã một thời ra khơi vào lộng. Dẫu rất chuyên nghiệp nhưng hành nghề ở biển khác hẳn ở sông, hồ, đầm trũng… Cách cá cắn câu cũng khác bởi sông hồ có nhiều thức ăn nên cá không đói lắm. Vì thế mà việc bắt được chúng đòi hỏi cả một nghệ thuật và kinh nghiệm đầy mình.
Bởi từng là người của biển cả nên chị cũng không mất nhiều thì giờ cho việc kiếm mồi câu. Khác với những ai không chuyên phải bắt ếch nhái, đào trùn, làm lờ, làm trúm, mồi câu của chị là tinh hoa của công nghệ, giống hệt như thật, thừa sức kích thích sự thèm thuồng của trê, lóc, lăng, mè…
Đó là những con cá, con tôm hay ếch nhái giả, làm bằng cao su với màu sắc và kích cỡ như thật rất hợp cho các loại cá tạp ăn. Chúng thường không thể thoát được lưỡi câu bén ngót được chị khéo léo cài vào con mồi từ trước. Đó cũng là ngón nghề được chị đem về từ biển cả, từ cách câu mực, câu tôm. Với ánh đèn pha từ trên thuyền chiếu xuống, đàn mực háu ăn sẽ bơi đến tìm mồi.
Mực bắt mồi bằng cách dùng xúc tu quấn lấy con mồi mà ở đó có sẵn vài ba lưỡi câu chờ chực. Câu mực không phải câu từng cần một mà câu tất cả cần mà người câu có bởi mực thường ăn theo bầy đàn.
Khác với biển, cư dân của sông, hồ rất sợ ánh đèn nên việc bắt được chúng là kinh nghiệm của người trước truyền cho người sau. Đôi khi cá không đói nhưng vẫn cứ cắn câu bởi đang giữ con như cá cha mẹ với bầy rồng rồng. Biết như thế là sẽ cạn kiệt bởi cá con không tự bảo vệ được mình nhưng làm sao tránh. Cá lóc đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 7, rộ nhất là tháng 4 tháng 5. Cá làm ổ rồi đẻ vào đó.
Cá cha mẹ không rời khỏi ổ cho đến khi trứng đã thành con. Khi mất cha mẹ thì cá con sẽ thành mồi ngon cho các loại cá lớn khác. Cùng trong quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng xem ra con người vẫn coi thường môi trường sống quanh mình. Phung phí tài nguyên là cách tự tử kín nhất và cũng không phải là khôn ngoan nhất. Hơi chùng tay câu nhưng chỉ thoáng chốc chị nghĩ về căn nhà bé nhỏ với mái lá đơn sơ của mình.
Đến từ biển cả. Từ sau đêm tàu lạ đâm chìm tàu cá của chồng chị, quê ngoại thành tổ ấm chở che. Ngoại không còn nhưng mẹ thì cũng đã già, chị thành rường cột của gia đình. Với chị, ở đâu cũng phải làm thì mới có ăn nhưng với sông, hồ thì hiền hoà ít hiểm nguy như biển cả dù thuỷ sản ở đây không nhiều.
Con cá, con tôm cũng mang mùi đồng chua nước mặn nhưng ngọt lịm tình người bởi chúng được chị đổi từ mồ hôi và lợi nhuận cũng chỉ hơn một chút mồ hôi.
Có đôi người cũng muốn san sớt gian nan với chị nhưng chị chỉ cười:
- Cô gì ơi, có người muốn chia bùi sẻ ngọt với cô đó.
- Chỉ có gian lao thôi. Ngọt bùi đâu mà chia.
- Thì gian lao cũng vui mà. Tôi bước ra từ đồng sâu ruộng trũng.
- Có biết chèo chống đâu mà đòi theo nghề sông nước.
- Đúng là chưa quen nhưng rồi sẽ quen. Sẽ làm được nếu thuận chèo mát mái.
- Tôi vụng về gieo cấy giần sàng không phải là mẫu người thích hợp với quê lúa. Hơn nữa, già rồi và tôi còn mẹ phải lo toan.
- Nhưng thêm người vẫn hơn mà cô. Sẽ có lúc cô phải rời sông nước bởi tuổi tác chẳng bao giờ chìu lòng người. Một mình một bóng, đau bệnh nương tựa vào đâu?
- Lo xa quá nhưng cũng tốt. Làng này còn nhiều người giỏi giang và hiền hậu hơn tôi nhiều…
- Nhưng mỗi người chỉ một bởi tình cảm không phải là thứ để con tim thoải mái sai khiến.
- Tư Sún hơi nghiêm nghị.
Chị chỉ cười mà không nói thêm gì. Bao năm làm dâu làng chài, chồng thường xuyên vắng bởi những chuyến đi biển dài ngày, lời hươu lời vượn chỉ có thể làm vui cho những lúc tóc rối đầu bù mà chẳng thể làm gì hơn được. Thuỷ chung son sắt là bản tính của phụ nữ mình mà.
Vòng lễ giáo không cho phép ai bước qua dù không hoàn toàn tuyệt đối nhưng những cảnh đi đêm về tối luôn bị người đời lên án, coi khinh. Thương chồng con, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm đã mất đâu. Dù xã hội văn minh đến mấy nhưng với nữ nhi công dung ngôn hạnh luôn phải làm đầu.
Chiều đã xuống. Mặt hồ rực vàng màu thu. Những cánh cò kịp xếp lại trên những cành cao. Tiếng chim vịt giăng dài qua lau lách khiến mái đò cũng rười rượi buồn. Phao câu cuối cùng làm chênh chao một vùng hoàng lạp, mặt hồ như cũng bâng khuâng.
Khua nhẹ dầm chèo bỏ lại phía sau một ngày gian lao, vất vả. Neo đò vào bờ, bước đi giữa thấp thoáng ánh đèn ai cũng thương chị vì bếp chiều đang đợi. Bát canh ngọt ngào xiết bao nhưng không phải vì cá tôm tươi roi rói mà vì nụ cười chị tươi hơn hớn làm sáng cả căn bếp vốn khá đen đúa vì khói và màu thời gian. Không ai biết sao hôm nay chị vui như thế trừ mẹ chị và chị.
Mẹ chị bảo:
- Mai dậy con không phải têm trầu cho mẹ. Thằng Tư cuối xóm vừa đem biếu mẹ cả cơi đầy. Lại còn dầm cho mẹ nữa chứ. Hình như nó có ý đợi con…
- Tư Sún hay Tư nào hả mẹ?
- Cuối xóm thì chỉ có nó chứ ai.
Chị lại cười dẫu không thành tiếng nhưng nụ cười của chị là nụ cười mãn nguyện, nụ cười của hạnh phúc dù chị chưa hình dung ra tình yêu và phải yêu như thế nào. Không phải “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” nhưng trong chị thật sự bâng khuâng. Chị chợt hiểu tình yêu đâu có tuổi bao giờ.