Hằng năm cứ sau Tết Nguyên đán, những ngày tháng Giêng âm lịch ở nơi tôi sống có tục cúng xóm đầu năm.
Ở quê thường có đình, miếu, cả xóm tập trung về đó cùng nhau nấu cúng xóm. Với những nơi thành thị không có đình, miếu thì người dân trong khu phố thường chọn chỗ ngã ba, ngã tư đường trên dãy phố của mình che rạp, lập đàn để cúng.
Để chuẩn bị chu đáo cho buổi cúng xóm, đầu tiên phải bầu ra ban tổ chức để lên phương án, phân công nhiệm vụ như vận động ủng hộ tiền đóng góp của các hộ dân trong xóm; thuê bàn ghế; đánh trống, đánh chiêng; làm chính bái tế lễ...
Hầu hết các chị em phụ nữ trong xóm, vào ngày cúng xóm rủ nhau đi chợ, bày chén dĩa, nấu nướng từ rất sớm, tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết, nói cười rôm rả trông thật nhộn nhịp. Khi chiều xuống cũng là lúc các bác lớn tuổi điều động những thanh niên kê dọn bàn ghế, giăng đèn và bày đồ thờ cúng.
Những người tham gia lễ tế mặc áo mão, khăn đóng, áo dài. Có tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên, sau đó là bài khấn văn tế thần, văn tế âm linh. Một buổi lễ cúng xóm thường phải có năm bàn thờ, gồm: Thờ thần, thờ hội đồng, thờ tả bang, thờ hữu bang và thờ cô hồn. Bày biện trên bàn thờ thần là hoa quả, con gà và thịt; bàn thờ tả bang và hữu bang cũng tương tự. Trên bàn thờ hội đồng là một con heo quay, trên sống lưng cắm một con dao, con gà luộc cũng có một con dao cắm giữa lưng và một ít muối tiêu.
Khi lễ tế xong, mọi người trong xóm lần lượt vào lễ bái cầu xin thổ địa bổn xứ phù hộ cho sức khỏe, an lành cho tất cả cư dân ngụ tại đây. Khi nghi thức lễ đã hoàn tất, mỗi người một tay cùng nhau dọn thức ăn lên bàn, rồi cùng nhau ngồi vào bàn tiệc.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, tục cúng xóm còn mang ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết giữa các gia đình sinh sống trong xóm. Đây là dịp tốt nhất để mọi người trong xóm hay khu phố gặp gỡ, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi khởi đầu một năm mới mà những ngày thường đôi khi ít được gặp nhau bởi những bận bịu của công việc.
Văn Thy Hoàng