Hết Sơn nhất quái đến Quang nhị quái lớp 9A2: Ê Thiện “xì dầu”, đi học không tắm sao… bay mùi xì dầu dữ mậy! còn mùi tương chao, đậu dầm nữa chớ! Hắc hắc hắc! Tất cả lại đồng thanh: hắc hắc hắc!
Mô Phật! Nó chỉ đáp có vậy.
Hôm nào gặp thầy cô hay bác bảo vệ thì đỡ. Quái mấy, muốn bước chân vô trường vẫn phải nể thầy cô. Đạo lí ấy không thủng là “ăn roi” ngay. Vậy nên thầy cô hay bác bảo vệ, với nó, là những cái phao cứu sinh.
Vậy nên mỗi bận đứng trước cổng trường nó đều trù trừ, chân bước chậm, mắt ngửa ngang, mong cho xuất hiện phao cứu sinh. Có phao thì hành trình vô lớp mới trơn tru. Nghỉ giữa tiết ư, “cố thủ” trong lớp là thượng sách, hạn chế ra sân. Kẻng báo hết giờ? Lại nhanh chân tháo trước cho mau, như chạy!
Thầy bảo, con ráng chịu, nhẫn là đức lớn của người tu, bạn lầm mê, nghịch dại; nhưng rồi sẽ hiểu ra. Nó nghe, ráng nhẫn, cho dù không biết đến lúc nào bạn mới hiểu ra. Mẹ cũng bảo, ráng đi con, nhà mình nghèo, con khó nuôi mới phải gửi chùa.
Nương bóng Phật được tới trường, ráng kiếm ít chữ sau này đỡ khổ. Đỡ khổ sau này đâu thì chưa hay; nhưng giờ… đúng khổ! Lệ chùa thức khuya dậy sớm, hết làm lụng tới công phu. Ăn thì toàn rau đậu tương chao. Quen chay từ nhỏ, giờ không ăn được đồ mặn. Lâu lâu cha lên xin thầy về nhà chơi, ngồi vào mâm cũng cứ cơm chan xì dầu, rau đậu gì đó mà nhai. Mẹ trông, ứa nước mắt.
Cha chống đũa, trừng mắt: Khóc, khóc cái gì! Nhập gia tùy tục, ăn mày Phật, giữ được mạng là may! Mặn chay gì chả cơm…. Trong nhà, nó con đầu, nhưng mang tới thứ 7. Theo thứ bậc của người Nam thì trước nó phải có đến 5 anh chị đã sinh ra. Có sinh không dưỡng; vậy nên, ba phải bế đứa con thứ 6 chào đời còn đỏ hỏn đi ăn mày cửa Phật.
Sư Thầy là ông nội thứ, tức bác ruột cha. Huyết thống, từ tâm mới nhận nuôi chứ cảnh nhà chùa nuôi trẻ nhỏ nào có dễ dàng? Rời vú mẹ sớm, trông cậy cả vào rau đậu nhà chùa, vào chăm chút của các ni. Vậy mà sống, mà lớn. A Di Đà Phật; Phật pháp diệu kì, cha mẹ tấm tắc, mỗi bận lên chùa thăm con đều không ngớt tán thán công đức. Mô Phật! Sư bác cười hiền.
Mô Phật! Ni sư coi trẻ cũng cười hiền. Sau này, trong những bài giáo lí Phật môn, nó nghe sư Thầy dạy: thấy người tu giúp người tưởng họ đang làm phước thực ra không; giúp người khác là đang giúp mình…
Chùa hẻo lánh, xa trung tâm Phật học, sư Thầy phải xin cho nó theo học phổ thông chung với học trò người lương (không tôn giáo). Trường hợp đặc cách nên nó đi học vẫn được giữ giáo quy: áo tràng - màu chàm hoặc nâu - và đầu húi trọc…
2. Có bận về nhà chơi, đến hẹn trở lên chùa nó cứ bần dùn, cuối cùng bạo gan mở miệng: Con muốn… ở nhà luôn, được không mẹ? Mẹ nói với cha…. Mẹ tròn mắt sửng sốt.
Rồi mẹ ứa nước mắt, dỗ: không được đâu con. Con sống nhờ chùa. Các em con sống được nhờ nương phước con ở chùa. Cha con bảo vậy… Đến lượt nó ứa nước mắt. Nó nhớ từng chuyện một, cái cảm giác bị xa lánh, giễu cợt, thậm chí hiếp đáp. Những lần sinh hoạt tập thể, trại trùng nó không thể ăn chung, không thể tham gia hò hát, vui chơi, nhảy múa như chúng bạn cùng lớp.
Cái đầu trọc cùng bộ áo tràng khiến các bạn nữ luôn thương hại và giữ khoảng cách; cho dù nó đẹp trai, phong độ nào có kém Bi Rain? Thầy cô khá hơn; nhưng vẫn có chút gượng gạo, xa cách.
Vẻ như, trong nhà trường, nó là một hiện tượng không quen mắt và sẽ không thể nào quen mắt, kể cả với các thầy cô, cho dù thầy vẫn dạy từ từ sẽ hiểu ra… Phải; hầu như các thầy cô. Ấy là nó muốn nói trừ cô Minh.
3. Cô Minh dạy Ngữ văn. Nó học tốt Ngữ văn. Căn nguyên thứ nhất khiến nó gần cô. Có lần tâm sự, cô Minh bảo: cô cũng Phật tử, từng ăn chay, giữ giới. Căn nguyên thứ hai, có thể; nhưng cũng đã là chuyện xưa. Giờ cô Minh sống đời thế tục, có chồng con, ăn ngủ sinh hoạt giống người thường.
Không còn Phật tử? Còn chớ, cô bảo, nhưng chỉ giữ Đạo tâm, không chấp giới như người xuất gia. Sư Thầy khen: cô ấy học được cái tâm bình đẳng, không chấp trước vào hình thức. Chắc đúng. Với nó, chưa bao giờ ánh mắt cô Minh tỏ vẻ ái ngại, ngạc nhiên hay một cái gì đó tương tự…
Phải; kệ đầu trọc, kệ áo tràng, cô Minh hành xử sát rạt, không có tí ti nương nhẹ, chiếu cố. Vậy mà nó thích. Trước cô Minh, nó thấy mình tự tin. Mà cũng không riêng với nó.
Học trò, giàu nghèo giỏi dở gì cô Minh cũng một tâm thế công bằng: đúng thưởng, sai phạt, cần thì giúp; giúp xong quên ngay. Cô lên lớp tận tâm, dạy kèm miễn phí các môn sinh nghèo hiếu học ở nhà. Nghe tưởng cô dễ; nhưng dốt, lười, không thiện chí học tập thì đừng mơ; trả tiền cao cô cũng không dạy. Có lần cô bảo: đừng tưởng làm thầy không Đạo. Có đấy; Đạo Làm Thầy…
4. Thầy đã hứa cho tôi một viễn cảnh: con tư chất tốt, ráng hết phổ thông rồi thầy gửi con đi học viện. Hồng Ân Tam Bảo gia hộ, con sang Ấn tu nghiệp vài năm chắc về làm rạng rỡ tông môn.
Cha gầm lên: mày tưởng dễ được phước báu như mày lắm sao? Mẹ khóc: nghe lời thầy, lời cha đi con. Khôn ngoan giữ cái trong tay/Thả mồi bắt bóng có ngày…. Cô Minh: người ta lớn được nhờ biết sống, suy nghĩ, hành xử độc lập; tránh thói quen bầy đàn…
Cãi cha mẹ, trái ý thầy là điều không hay; nhưng cái Thiền viện tận bên Ấn Độ xa lắc xa lơ - quả thật - không hề hiện diện trong những giấc mơ tôi. Ngược lại, tôi luôn mơ thấy trường, lớp và những đứa học trò. Và tôi mơ thấy tôi, một ông thầy, như cô Minh. Sư Thầy từng dạy: Phật pháp có đến tám vạn bốn nghìn Pháp môn cho chúng sinh được tùy duyên…
Cha phát một, không lôi thôi: chọn đi, hoặc nghe lời thầy, hoặc mày không còn là con tao. Cô Minh: ước mơ nào cũng có giá. Không muốn trả giá, sao thành tựu nổi ước mơ? Mẹ gạt nước mắt: thôi, tùy con. Làm gì miễn đừng trái đạo, miễn tâm an ý hợp, đủ cơm ăn áo mặc thì thôi. Nhưng còn ý thầy, ý cha - con tính sao? Đúng thật đường quang không đi; chi khổ dữ vậy con…
Không dám thưa chuyện với thầy. Thầy chắc sẽ không quát mắng, nổi điên. Càng không khóc lóc. Thầy sẽ chỉ buồn. Nhưng nỗi buồn của thầy, Đấng-Sinh-Thành-Thứ-Hai, với tôi, khủng khiếp đến mức tôi không có gan đối mặt!
Nhưng tôi muốn là tôi, thực sự tôi. Được chính là mình không dễ. Phải trả giá. Giá đắt! Cô Minh bảo. Giờ thì tôi bắt đầu hiểu cô Minh hơn.
5. Ngày… tháng… năm…
Kính bạch thầy!
Con biết mình có lỗi, rất có lỗi với thầy. Con đã phụ niềm tin và ước vọng của thầy - người cha thứ hai - cũng như của cha mẹ khi con không tiếp tục đi trên con đường mà thầy và mọi người mong.
Nhưng, xin thầy từ bi, con không thể tự dối mình, dối người thêm. Con không thể cứ mãi không phải là con; cho dù cái “không phải con” kia có tốt đẹp, hoàn thiện đến đâu…
Kính bạch thầy!
Con là một đứa trẻ bình thường. Có chút tư chất; nhưng vẫn bình thường. Con muốn được làm người bình thường. Một người bình thường có ước mơ. Phải; thú thực với thầy, con cũng có ước mơ. Nhưng cơ may thành tựu ước mơ chỉ có thể khi con được là chính con…
Kính bạch thầy!
Đã năm năm từ ngày con xa cha mẹ, xa thầy. Cực nhọc giữa chợ đời; nhưng con vẫn nỗ lực để sinh tồn và thành tựu ước mơ. Dẫu biết rằng có thể, nhưng con không muốn ngửa tay xin hỗ trợ từ thầy hoặc mẹ cha. Con muốn tự đứng, tự đi bằng chính chân con. Và con đã đứng được, đi được - cho dù không ít vấp ngã, lao đao…
Con viết thư cho thầy, như một động thái thành tâm sám hối về những điều không phải con đã gây ra, như một thành ý kính dâng thầy lòng tri ân về tất cả những gì thầy đã làm, đã dạy cho con.
Dù không thành tựu được tâm nguyện thầy mong, trước sau con vẫn là Phật tử thuần thành, vẫn sống theo lời Phật, lời thầy; cho dù con đang sống đời thế tục. Phật, thầy đã nâng đỡ, dìu bước con qua những lầm mê, khổ nạn, tiếp sức cho con trên con đường đến với ước mơ…
… Và giờ, kính bạch thầy, hình như con cũng đang bắt đầu chạm tới ước mơ…