Tranh cãi về khả năng Mỹ tái lập căn cứ quân sự tại Panama

Đề xuất mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc tăng cường hiện diện an ninh gần kênh đào Panama đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và vấp phải những phản ứng trái chiều tại Panama, trong bối cảnh hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới.

Chú thích ảnh
Con tàu di chuyển qua kênh đào Panama ở Panama City, Panama. Ảnh: THX/TTXVN

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Panama, cho phép triển khai lực lượng Mỹ tại một số khu vực lân cận kênh đào. Thỏa thuận không cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ thường trực của riêng mình, nhưng Washington sẽ có thể duy trì lực lượng luân phiên dài hạn ở Panama, tương tự như lực lượng mà Mỹ có ở Australia và các quốc gia khác, để huấn luyện, tập trận và "các hoạt động khác".

Thỏa thuận cho phép Mỹ có thể triển khai một số lượng nhân sự không xác định đến 3 căn cứ mà Washington từng xây dựng trước khi trao trả quyền kiểm soát kênh đào cho Panama năm 1999.

Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.

Về phần mình, Tổng thống Panama, ông Jose Raul Mulino khẳng định các cơ sở và đất đai thuộc về Panama. Ông nói rằng những cơ sở này sẽ được lực lượng an ninh Mỹ và Panama "sử dụng chung", đồng thời khẳng định không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền.

Trong khi đó, giới học giả và các chính trị gia Panama đang chia rẽ về tính hợp pháp của thỏa thuận. Ông Euclides Tapia, Giáo sư quan hệ quốc tế người Panama, cho rằng thỏa thuận này vi phạm hiến pháp về tính trung lập của kênh đào này và cấm thiết lập các căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ Panama. 

Tuy nhiên, chuyên gia Will Freeman tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết một trong những nội dung hiệp ước chuyển giao kênh đào được ký năm 1977 cho phép Mỹ bảo vệ kênh đào này khi họ cảm thấy tính trung lập bị đe dọa.

Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Kênh đào cắt ngang eo đất Panama và là tuyến đường quan trọng, xử lý khoảng 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất, chiếm hơn 70% hàng hóa vận chuyển qua đây.

Nguyễn Viễn (TTXVN)
Panama đồng ý để Mỹ triển khai binh sĩ tới kênh đào Panama
Panama đồng ý để Mỹ triển khai binh sĩ tới kênh đào Panama

Theo một thỏa thuận chung với Panama, quân đội Mỹ sẽ có thể triển khai binh sĩ đến các cơ sở quân sự dọc theo kênh đào Panama.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN