Tờ Washington Post ngày 1/8, trích dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã triển khai 12 tàu chiến đến Trung Đông. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nguy cơ leo thang xung đột ngày càng cao.
Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về bất kỳ thay đổi nào về thế trận lực lượng của họ ở Trung Đông. Trước đó, Iran đã đe dọa thực hiện một cuộc tấn công trả đũa vào Israel sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Hamas, Ismail Haniyeh. Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei được cho là cũng ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel để đáp trả vụ ám sát.
Ngoài ra, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc đổ lỗi cho Mỹ về cái chết của ông Haniyeh, tuyên bố rằng điều đó không thể xảy ra "nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo của Mỹ". Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Qalibaf còn cáo buộc Washington phối hợp và hỗ trợ cho vụ tấn công, mặc dù Mỹ phủ nhận mọi liên quan.
Hamas cũng đã xác nhận ông Haniyeh thiệt mạng trong một cuộc tấn công sau khi ông tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran mới đắc cử Masoud Pezeshkian. Vụ ám sát ông Haniyeh và vụ tấn công vào chỉ huy Hezbollah trước đó là Fouad Shukur ở Beirut (Liban) có thể làm gia tăng căng thẳng và dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
Trước diễn biến trên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington không tin rằng sự leo thang ở Trung Đông là điều không thể tránh khỏi và không thấy dấu hiệu nào cho thấy điều đó sắp xảy ra.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi tất cả các bên tránh các hành động leo thang và nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn là cách duy nhất để ngăn chặn bạo lực.
Vụ ám sát ông Haniyeh ở Tehran và vụ tấn công nhằm vào chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Fouad Shukur ở Beirut (Liban) có thể làm đảo lộn các nỗ lực nhằm vô hiệu hóa "thùng thuốc súng" ở Trung Đông.