Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 thử ngày 29/7. Ảnh: KCNA
|
Theo đài Sputnik, phát biểu tại diễn đàn do Viện Hudson tổ chức ngày 20/9, Tướng Hyten nói rằng Mỹ “phải nhìn nhận khả năng ICBM của Triều Tiên là vấn đề thời gian, chứ không phải là giả thuyết”.
Bình Nhưỡng đã gặp vấn đề với giai đoạn trở lại khí quyển của tên lửa, một trong những giai đoạn thách thức nhất trong chế tạo tên lửa ICBM. Trong đó, đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.
Tuy nhiên, Tướng Hyten cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đang rất gần thời điểm đạt được khả năng đó. “Tôi phải đưa ra giả định đó với tư cách là một tướng giám sát các lực lượng hạt nhân của Mỹ, rằng Triều Tiên có bom H và họ sẽ có khả năng triển khai nó trên một ICBM”, ông Hyten nói.
Tuy nhiên, Tướng Hyten nói thêm rằng nếu một cuộc tấn công xảy ra, Washington sẽ đáp trả “áp đảo”. Ông bày tỏ tự tin rằng Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất (GMD) của Mỹ trị giá 40 tỷ USD có thể làm chệch hướng một tên lửa ICBM của Triều Tiên phóng tới lục địa Mỹ hay Alaska.
“Khả năng phòng thủ tên lửa Mỹ được xây dựng để chống lại mối đe dọa Triều Tiên. Guam được bảo vệ chặt chẽ. Chúng tôi có hệ thống phòng thủ tốt để bảo vệ Guam và Hawaii”, Tướng Hyten nói thêm.
Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng thử thành công ICBM Hwasong-14 có tầm bắn khoảng 7.000 km, đủ sức vươn tới lãnh thổ Alaska của Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều kết luận rằng đây là "cột mốc đáng sợ" trong chương trình tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đạt được, sớm hơn nhiều năm so với những ước tính trước đây của họ.
Vụ phóng Hwasong-14 lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 7. Các nhà phân tích nhận định rằng Hwasong-14 có thể đe dọa lục địa Mỹ: Alaska và Hawaii, Los Angeles, Chicago, thậm chí cả New York City hay Washington, DC.