Tương lai của thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân Mỹ - Nga

Cách đây 30 năm, Mỹ và Nga đã đồng thuận cắt giảm và hạn chế vũ khí hạt nhân và ký Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 2 (START II). Ngày nay, xung đột Nga - Ukraine đã tác động một phần đến START.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và ông Boris Yeltsin trong cuộc gặp năm 1993 tại Moskva. Ảnh: AFP

Ngày 3/1/1993, Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin và người đồng cấp Mỹ George H.W. Bush gặp nhau tại Moskva để ký hiệp ước START II quy định về loại bỏ các hệ thống vũ khí hạt nhân tầm xa. Hai nhà lãnh đạo nâng cốc chúc mừng và mỉm cười với nhau. Chỉ vài năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cựu thù đã đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Tuy nhiên, kênh DW (Đức) cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt Nga phát động tại Ukraine đã ảnh hưởng đến thỏa thuận này.

Thời kỳ hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Titan II của Mỹ trong bảo tàng ở Tucson, Arizona. Ảnh: DW

START là hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược hướng đến giảm số lượng vũ khí chiến lược. START II có mục đích là đến năm 2003 sẽ vô hiệu hóa tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền với nhiều đầu đạn và giảm đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống mức tối đa 3.000 đến 3.500 mỗi bên.

Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick thuộc Đại học Halle (Đức) phân tích rằng 30 năm trước, thế giới đã chứng kiến "thời kỳ hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương”. “START II vừa là kết quả của cải thiện trong quan hệ chính trị giữa hai siêu cường và cũng là động cơ cho các biện pháp xây dựng lòng tin hơn nữa", ông Johannes Varwick nói.

Tiền thân của START II là START I, được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi Chiến tranh Lạnh vẫn đang diễn ra. Sau đó, hiệp ước này được ký bởi người kế nhiệm ông Reagan là ông George H.W. Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1991, chỉ 5 tháng trước khi Liên Xô tan rã. START I có hiệu lực vào cuối năm 1994.

Điều quan trọng là vào thời điểm đó, trong một giao thức bổ sung, Ukraine, Belarus và Kazakhstan cũng cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô.

START II chưa từng có hiệu lực

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga. Ảnh: DW

Trái ngược với START I, START II chưa bao giờ thực sự có hiệu lực. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ lại gia tăng do các hoạt động quân sự của Mỹ ở Kosovo và Iraq, cũng như sự mở rộng về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nga gắn việc phê chuẩn hiệp ước để duy trì Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972, trong đó hạn chế sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nhà sử học Henning Hoff tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định: "Khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002, START II cũng đã chết. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận START III vẫn diễn ra, nhưng cuối cùng chúng đã dần dần dừng lại. Tuy nhiên, sự quan tâm đến giải trừ hạt nhân chiến lược ở Mỹ và Nga vẫn còn. Năm 2002, Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT) được ký, trong đó quy định số lượng đầu đạn hạt nhân của cả hai bên là từ 1.700 đến 2.200.

Hai bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), có hiệu lực vào tháng 2/2011 - và chính thức có hiệu lực cho đến ngày nay. New START buộc cả hai quốc gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống tối đa 1.550 mỗi nước và giới hạn số lượng các hệ thống phóng như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800 mỗi nước. Để xác minh, mỗi bên có thể tiến hành kiểm tra ở nước kia. Thỏa thuận gia hạn thêm 5 năm đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào năm 2021, có hiệu lực đến năm 2026.

Xung đột Ukraine

Về nguyên tắc, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine không chấm dứt thỏa thuận, mặc dù Nga đã "tạm thời" đình chỉ các cuộc thanh tra kho vũ khí hạt nhân của mình vào tháng 8/2022. Quyết định này không bắt nguồn từ xung đột mà là do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với máy bay Nga, khiến Điện Kremlin không thể đưa các thanh sát viên của mình đến Mỹ. Nga thậm chí còn cho biết họ sẽ tuân thủ các điều khoản của hiệp ước và đánh giá cao "vai trò độc nhất" của mình như một "công cụ quan trọng để duy trì an ninh và ổn định quốc tế".

Trên thực tế, New START là hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga hiện nay. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ lệnh cấm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất vào năm 2019 và rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào năm 2020.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo DW)
Nga cân nhắc nối lại hoạt động thanh tra theo New START sau 2 năm đình chỉ vì COVID-19
Nga cân nhắc nối lại hoạt động thanh tra theo New START sau 2 năm đình chỉ vì COVID-19

Ngày 29/9, Nga cho biết Moskva đang cân nhắc nối lại hoạt động thanh tra theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).     

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN