Trên mạng xã hội Twitter, ông Billingslea xác nhận đã được nhất trí với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkob về những nội dung trên, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết. Theo Đặc phái viên Billingslea, Trung Quốc cũng được mời tham gia đối thoại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán 3 bên nào về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga.
Cùng ngày, hãng tin Bloomberg dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới. Theo Bloomberg, đây là cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí đầu tiên giữa ông Billingslea và người đồng cấp Nga. Sự kiện được giới phân tích dự báo là trong đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có lập trường mềm dẻo hơn về vấn đề gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).
Nga và Mỹ ký kết New START vào năm 2010 và đây trở thành hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa hai siêu cường. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.
New START dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021 và có thể gia hạn trong tối đa 5 năm nếu có sự đồng thuận của cả hai bên. Trong khi Nga bày tỏ mong muốn gia hạn New START, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa chính thức trả lời và nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn.