Bộ Quốc phòng Thụy Điển vừa giới thiệu công nghệ bầy đàn UAV tiên tiến, cho phép các thiết bị bay không người lái (UAV) với nhiều kích thước khác nhau phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung.
Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Thuỵ Điển Pål Jonson, công nghệ hiện đại này, được phát triển bởi tập đoàn Saab, sẽ được trình diễn trong cuộc tập trận Arctic Strike (cuộc tập trận quân sự d,o quân đội Thụy Điển dẫn đầu nhằm thử nghiệm các công nghệ quốc phòng mới trong khu vực Bắc Cực) sắp tới.
“Với các bầy đàn UAV này, có thể thực hiện trinh sát, định vị và nhận dạng mục tiêu”, ông Jonson cho biết.
Việc ra mắt công nghệ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Thụy Điển nhằm nâng cao năng lực quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng với việc xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraine diễn ra gần ba năm mà chưa thấy hồi kết.
“Chúng ta phải chấp nhận một số rủi ro để xây dựng năng lực phòng thủ mạnh mẽ hơn và nhanh hơn thông thường”, Bộ trưởng Quốc phòng Thuỵ Điển nhấn mạnh.
Kết quả của các thử nghiệm sắp tới dự kiến sẽ củng cố vị thế của Thụy Điển như một quốc gia dẫn đầu về đổi mới công nghệ quốc phòng toàn cầu.
Bước tiến công nghệ mới của Thụy Điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nước này chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 7/3/2024, và đang nỗ lực đóng góp tiềm năng công nghệ đáng kể vào cấu trúc phòng thủ tập thể của liên minh quân sự này.
Xem video thử nghiệm công nghệ UAV bầy đàn. Nguồn: Militarnyi
Tầm quan trọng chiến lược
Bầy đàn UAV đã được chứng minh hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương thông qua các hoạt động phối hợp và phi tập trung.
Sự đa năng, chi phí hợp lý và khả năng giảm thiểu rủi ro cho con người khiến bầy đàn UAV mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể cho các đơn vị quân sự.
Trong mạng lưới này, mỗi UAV sẽ tự lên kế hoạch hành động và dự đoán hành vi của các UAV khác trong bầy đàn.
Thay vì cần nhiều nhân viên điều khiển từng nhóm UAV riêng lẻ, toàn bộ bầy đàn có thể được điều khiển bởi một người duy nhất và người này chỉ cần chọn mục tiêu và quyết định việc tiêu diệt.
Cuộc chiến tại Ukraine càng làm nổi bật tầm quan trọng của UAV trong các nhiệm vụ trinh sát, định vị pháo binh và tấn công chính xác, thúc đẩy sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ UAV trên toàn cầu.
Vào cuối tháng 10/2024, cụm công nghệ Brave1 của Ukraine, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Chuyển đổi Số, Bộ Tổng Tham mưu, và Lực lượng Vệ binh Quốc gia, đã tiến hành thử nghiệm công nghệ điều khiển UAV tự động.
Bảy nhóm nhà sản xuất đã trình bày các phát triển của họ. Công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp kết hợp hàng chục UAV dưới sự điều khiển của một người duy nhất.
Đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Ukraine đã đánh giá các khả năng của các nhà sản xuất Ukraine và đưa ra khuyến nghị để cải tiến sản phẩm.