Theo hãng tin AP, đồng loạt bày tỏ trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ, thống đốc các bang Bavaria, Hesse, Baden-Wurttemberg và Rhineland-Palatinate nhấn mạnh các cơ sở của Mỹ như khu vực huấn luyện Grafenwoehr, hai căn cứ không quân Ramstein và Spangdahlem, bệnh viện khu vực Landstuhl và các trụ sở của Bộ Chỉ huy châu Âu thuộc quân đội Mỹ đã “hình thành nền tảng vững chắc cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu, cũng như năng lực hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Hiện Mỹ đang có khoảng 34.500 binh sĩ đồn trú tại Đức. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết ông dự kiến cắt giảm số lượng binh sĩ này xuống còn 25.000 người.
Trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Phố Wall ra ngày 21/6, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien lên tiếng bảo vệ quyết định của Mỹ, nhận định kiểu đóng quân như thời Chiến tranh Lạnh tại các quốc gia như Đức là “lỗi thời”. Cố vấn cho rằng thay vào đó, lực lượng này nên được triển khai tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương và có thể được sử dụng để đối đầu với Trung Quốc.
“Hàng nghìn binh sĩ có thể tái triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang duy trì hiện diện quân sự tại Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản cũng như có thể triển khai ở những địa điểm như Australia”, cố vấn an ninh O’Brien viết.
Cuối năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump đã vạch ra một kế hoạch chiến lược, nhấn mạnh trong tương lai Lầu Năm Góc nên chuyển hướng tập trung từ cuộc chiến khủng bố kéo dài 2 thập kỷ sang “cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc” với Nga và Trung Quốc.