Saudi Arabia là nước đầu tiên mua được siêu tên lửa Iskander-Nga?

Saudi Arabia có thể sẽ là nước đầu tiên mua được loại tên lửa Iskander-E hiện đại của Nga, tờ Kommersant (Nga) ngày 12/8 đưa tin ngay trước thềm cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra trước đó một ngày, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir chính thức xác nhận Saudi Arabia rất quan tâm đến tên lửa này của Nga. “Đã có rất nhiều các cuộc tiếp xúc giữa phái đoàn và chuyên gia quân sự hai nước. Nhiều loại vũ khí của Nga đang được thảo luận, trong đó có hệ thống tên lửa Iskander”, ông al-Jubeir chia sẻ.

Iskander được cho là tổ hợp tên lửa chiến thuật có sức mạnh vô đối. Ảnh: Reuters


Iskander là một trong những vũ khí hiện đại, uy lực nhất của Nga. Được phiên chế chính thức trong quân đội Nga lần đầu tiên vào những năm 1990, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật có độ chính xác cao này đặc biệt ưu việt ở tầm bắn ngắn, dưới 500 km. Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đó cũng chính là yếu tố khiến phương Tây nhấp nhổm không yên trong cuộc khủng hoảng Ukraine, khi mà Moskva bắn tiếng sẽ triển khai tổ hợp tên lửa vô đối, không thể đánh chặn này tới Kaliningrad, sát các nước Baltic một khi Mỹ thiết lập lá chắn phòng thủ ở Đông Âu.

Mang đầu đạn hạt nhân, nhưng tính năng cơ bản nhất của Iskander là tấn công trận địa đối phương. Siêu tên lửa có thể được điều khiển bởi binh sĩ, thiết bị vệ tinh hay thiết bị không người lái trong định vị, tiêu diệt mục tiêu. Iskander còn có thể thay đổi mục tiêu khi đang trong hành trình bay, có khả năng cơ động cao và vì thế “thoát” được các hệ thống phòng thủ tên lửa. Rất nhiều nước quan tâm đến Iskander, nhưng hiện chưa có nước nào mua được. Hệ thống đã được triển khai ở Belarus, nhưng là trong khuôn khổ Hiệp định phòng thủ biên giới được ký kết giữa Moskva và Minsk.

Những tính toán của Saudia Arabia

Tờ Kommersant dẫn nguồn tin giấu tên tại tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đưa tin, Saudi Arabia đã gửi cho Nga đề xuất “cứng” mua Iskander, cùng với đó là nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí giá trị lớn. Tuy nhiên các cuộc đàm phán vẫn chưa được khởi động. Trước đó, các thương vụ mua sắm giữa Riyadh và Moskva cũng thường hay gặp trục trặc, đổ vỡ ở những bước cuối cùng. Vài năm gần đây, Saudi Arabia ồ ạt đổ tiền mua sắm vũ khí và trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2014 (vượt qua Ấn Độ), tổng số tiền bỏ ra là 6,4 tỉ USD, với Mỹ là đối tác cung cấp lớn nhất.

Năm 2007, Saudi Arabia từng mua tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc, có tính năng tương tự như Iskander. Nhưng Bắc Kinh lúc đó đã có một số thay đổi về thiết kế, không cho phép DF-21 mang đầu đạn hạt nhân. Đây có thể là lý do mà Riyadh tỏ ra quan tâm đến Iskander-E, nhất là sau khi không hài lòng về thỏa thuận hạt nhân mà Iran và các cường quốc mới đạt được gần đây.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, còn nhiều dấu hỏi đằng sau đề xuất mới của Riyadh. Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở ở Moskva nhìn nhận, rất khó để hoàn tất hợp đồng mua sẵn này. “Iskander là hệ thống vũ khí đầy uy lực và chúng ta không thể biết Saudi Arabia sử dụng vào mục đích gì… họ là đồng minh của Mỹ và vì thế xuất hiện nguy cơ Mỹ sẽ tiếp cận, mổ xẻ Iskander để rồi phát triển các giải pháp chống trả một khi chúng ta chuyển giao vũ khí này”, ông Pukhov bày tỏ.

Không những vậy, nhiều người nghi ngờ Saudi Arabia sử dụng hợp đồng này để gây ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông theo hướng có lợi cho Riyadh. Năm 2008, vương quốc giàu dầu mỏ này từng đề xuất mua của Nga lô vũ khí gồm xe tăng, trực thăng, xe thiết giáp trị giá 4 tỉ USD để đổi lấy việc Moskva hạn chế hợp tác với Iran. Năm 2013, Saudi Arabia cũng hứa hẹn hợp đồng mua sắm vũ khí 15 tỉ USD từ Nga, củng cố vị thế của Nga trên thị trường năng lượng thế giới, nhưng đi kèm với đó Moskva phải “từ bỏ” chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Hoài Thanh (Theo Moscowtimes)
Saudi Arabia lờ Mỹ quay sang ‘liên minh’ với Nga
Saudi Arabia lờ Mỹ quay sang ‘liên minh’ với Nga

Sau một thời gian trầm lắng, Saudi Arabia đang hướng đến việc khôi phục quan hệ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN