Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Sách trắng Quốc phòng 2024 được ban hành đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (1/7/1954-1/7/2024). Nhân dịp này, Sách trắng đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển, nhất là trong 10 năm gần đây và hướng tới đáp ứng những yêu cầu mới của tình hình quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Cách đây 10 năm, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định của Nội các thay đổi cách giải thích của Hiến pháp nước này, cho phép Lực lượng phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể. Kể từ đó, cùng với việc chuyển trạng thái sang tăng cường năng lực phòng thủ, Nhật Bản đã cụ thể hóa bằng việc ban hành và sửa đổi các luật liên quan đến an ninh. Trong đó, nổi bật là việc công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới cuối năm 2022, bổ sung “năng lực phản công”, cho phép Lực lượng phòng vệ tổ chức phản công vào các địa điểm phóng tên lửa của đối phương.
Dự kiến tháng 3/3025, Lực lượng phòng vệ sẽ thành lập một đơn vị mới là Bộ Tư lệnh tác chiến liên hợp, đóng vai trò là cơ quan thường trực và chỉ huy tập trung các Lực lượng phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không, qua đó tăng cường sự phối hợp chỉ huy hiệp đồng giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như chịu trách nhiệm về các lĩnh vực tác chiến mới như an ninh mạng và không gian. Ngoài ra, Sách trắng cũng nhắc lại sự cần thiết của việc tăng chi tiêu quốc phòng lên tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027, nhằm cải thiện những lĩnh vực cần thiết để củng cố năng lực phòng thủ của đất nước trong tình hình mới.
Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, tương tự đánh giá như năm ngoái, Sách trắng năm nay tiếp tục đánh giá cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong đó, Sách trắng nhấn mạnh, loại hình chiến tranh kết hợp giữa quân sự và phi quân sự sẽ trở nên phức tạp hơn. Đáng chú ý, Sách trắng cho rằng, những thách thức an ninh toàn cầu đang nổi bật ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể diễn biến khó lường hơn.
Sách Trắng của Nhật Bản cho rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là mối quan tâm chính đáng của không chỉ Nhật Bản mà còn của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, so với năm ngoái, Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay vẫn giữ dung lượng 40 trang để đề cập đến hợp tác liên minh Nhật-Mỹ, nhưng tăng thêm dung lượng từ 50 trang lên 70 trang khi mô tả quan hệ quốc phòng an ninh với 51 quốc gia, tổ chức. Bốn quốc gia được bổ sung vào danh mục các nước đang thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng với Nhật Bản gồm có Latvia và Litva thuộc khu vực Bắc Âu và Baltic, Romania thuộc khu vực Đông Nam Âu, Maldives ở Ấn Độ Dương.
Trong đó, lần đầu tiên Sách trắng nêu rõ Hàn Quốc “là quốc gia láng giềng quan trọng mà Nhật Bản cần phải tăng cường hợp tác với tư cách là một đối tác”, phản ánh những kết quả tích cực trong việc cải thiện quan hệ Nhật - Hàn trong lĩnh vực an ninh dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Sách trắng năm nay cũng dành khoảng 4 trang để đề cập đến những tiến bộ của Nhật Bản trong triển khai Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc (WPS). Trong đó nhấn mạnh, xem xét tầm quan trọng của WPS trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy các hoạt động thảo luận và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong quan hệ giao lưu, hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Sách trắng nhấn mạnh, sau khi hai nước nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” vào tháng 11/2023, hai bên đã có những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Hai bên đang thúc đẩy các thủ tục hướng tới chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như thảo luận về Viện trợ An ninh chính thức (OSA) và mở rộng hơn nữa các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc phòng.