Động thái này đảo ngược quyết định của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump cuối năm 2020 rút gần như toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Đông Phi này.
Trao đổi với báo giới ngày 16/5, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Biden "đã phê duyệt đề nghị của Bộ Quốc phòng về việc bố trí lại các lực lượng Mỹ ở Đông Phi nhằm tái lập sự hiện diện quân sự lâu dài với quy mô nhỏ của Mỹ ở Somalia". Theo kế hoạch, quân số Mỹ sẽ được triển khai trở lại tại Somalia chưa đến 500 binh sĩ, ít hơn so với quân số khoảng 700 binh sĩ đã triển khai trong nhiều năm trước đây ở Somalia để tiến hành các hoạt động chống Al-Shabaab.
Quan chức trên cũng cho biết quyết định của chính quyền tiền nhiệm rút quân khỏi Somalia "trái với khuyến nghị của giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ" và Al-Shabaab đã phát triển mạnh hơn kể từ đó. Việc tái thiết lập sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ giảm thiểu những rủi ro đối với việc điều động qua lại các lực lượng đang tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại Somalia. Động thái này cũng sẽ nâng cao hiệu quả của các chiến dịch đặc biệt, đồng thời cho phép đảm bảo công tác huấn luyện cho các quân đội sở tại không bị gián đoạn.
Đánh giá mối đe dọa từ phiến quân ở Somalia là "khá đáng lo ngại", quan chức trên không loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ sẽ trực tiếp tấn công Al-Shabaab. Mỹ cũng sẽ tiếp tục xem xét khả năng triển khai các hoạt động chống khủng bố trực tiếp phù hợp để chống lại các mối đe dọa. Ngoài ra, quan chức trên cho biết Somalia vẫn duy trì lập trường ủng hộ sự hợp tác của Mỹ trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây và Washington vẫn tin tưởng vào sự ủng hộ đó từ chính quyền mới ở Mogadishu.
Quyết định của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Somalia vừa tiến hành bầu tổng thống mới. Cựu Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud một lần nữa thắng cử và trở thành Tổng thống thứ 10 của quốc gia châu Phi này sau khi đánh bại đương kim Tổng thống Mohamed Farmajo trong vòng 3 của cuộc bầu chọn tổng thống tại Quốc hội vừa được tổ chức ở thủ đô Mogadishu ngày 15/5.