Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã xác nhận rằng thỏa thuận xuất khẩu đạn súng máy, đạn xe tăng chiến đấu và giáp phản ứng nổ sang Ba Lan sẽ vẫn được xúc tiến như kế hoạch, bất chấp tranh cãi sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol báo hiệu ý định gửi vũ khí trực tiếp tới Ukraine nếu Nga mở một cuộc tấn công quy mô lớn vào dân thường.
Bình luận của Tổng thống Yoon đã bị các quan chức Nga chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng “những hành động như vậy chắc chắn sẽ hủy hoại quan hệ Nga-Hàn”.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Yoon Suk Yeol nói rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào thường dân Ukraine, một vụ thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, thì Hàn Quốc khó có thể chỉ kiên quyết đòi hỗ trợ tài chính hoặc nhân đạo..
Trước những phản ứng, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức làm rõ rằng Tổng thống Yoon chỉ đề cập đến một “tình huống giả định” và ông muốn giải thích với các phóng viên “những gì Hàn Quốc làm trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hành động của Nga”.
Tổng thống Yoon dự kiến sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng trong cuộc hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai vào tuần tới và hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ “thảo luận tầm nhìn chung về một Liên minh Mỹ-Hàn mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa" - theo thông báo của Nhà Trắng.
Các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu lấn sân mạnh mẽ trên thị trường vũ khí toàn cầu để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt vũ khí quốc tế. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 17,3 tỷ USD và Hanwha Aerospace, công ty quốc phòng lớn nhất ở Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu vũ khí của nước này.
Trong trường hợp đối tác Ba Lan, Hàn Quốc hiện đang xuất khẩu xe tăng, máy bay chiến đấu, pháo và nhiều bệ phóng tên lửa vì Warsaw đã gửi nhiều vũ khí thông thường của mình tới Ukraine.
Vũ khí xuất khẩu sang Ba Lan bao gồm 180 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 do Hyundai Rotem sản xuất và lựu pháo tự hành 672 K9 A1 của Hanwha Aerospace. 24 khẩu lựu pháo đầu tiên của Hanwha đã được chuyển đến Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái trong khi công ty đang tìm cách sản xuất một phần sản phẩm của họ ngay tại Ba Lan.
“Chúng tôi đã có 10 xe tăng K2 và 24 khẩu pháo K9 trên đất Ba Lan. Tôi nhấn mạnh rằng đây chỉ là lô thiết bị đầu tiên được chuyển đến Ba Lan. Sẽ có nhiều đợt giao hàng hơn vào năm tới", Mariusz Błaszczak, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết vào tháng 12 năm ngoái.
Chỉ mất chưa đầy nửa năm để Hanwha Aerospace đạt được thỏa thuận xuất khẩu và giao sản phẩm tới Ba Lan - một tốc độ chưa từng có trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng vũ khí vì thông thường quá trình này mất 4-5 năm. Đối với Hanwha, đó cũng là đơn đặt hàng lớn nhất từ nước ngoài.
“Cuộc chiến Ukraine đang làm cạn kiệt kho vũ khí thông thường, chẳng hạn như pháo tự hành, tên lửa và đạn pháo... Vì các quốc gia sản xuất vũ khí lớn như Mỹ và Đức đã cắt giảm dây chuyền sản xuất vũ khí thông thường nên sẽ mất nhiều năm để đáp ứng nhu cầu, nhưng Hàn Quốc đã sẵn sàng”, ông Chae Woo-suk, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc, nói.
“Ba Lan đã nhập khẩu vũ khí mới từ Hàn Quốc để tự vệ nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt sau khi họ đã cạn kiệt rất nhiều vũ khí cũ hiện có để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine", ông Chae giải thích.
Là công ty con của tập đoàn Hanwha Group của Hàn Quốc, Hanwha Aerospace cung cấp hầu hết các loại lựu pháo và phương tiện chiến đấu cho quân đội nước này.
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới về mặt kỹ thuật vẫn còn chiến tranh, và các công ty vũ khí của nước này đã duy trì và nâng cấp hoạt động sản xuất vũ khí thông thường để trang bị cho hơn 3,6 triệu quân nhân (bao gồm 3,1 triệu quân dự bị).
Mặc dù đóng vai trò thứ hai trong ngành công nghiệp vũ khí đối với các công ty ở phương Tây, các công ty Hàn Quốc như Hanwha có lợi thế so sánh về khả năng sản xuất của họ. Hanwha giải thích lợi thế lớn nhất của họ là họ có thể đáp ứng nhu cầu trong một khoảng thời gian ngắn hơn vì họ tương đối không bị xáo trộn bởi hoạt động hậu cần toàn cầu khi lắp ráp pháo và phương tiện chiến tranh của mình. Chẳng hạn, 92% các bộ phận lựu pháo K9 của Hanwha được sản xuất tại Hàn Quốc.
“Hệ sinh thái sản xuất địa phương mạnh mẽ của chúng tôi đã cho phép chúng tôi trở thành người chơi chính cung cấp các hệ thống vũ khí chất lượng cao như pháo và xe bọc thép. Và tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 80%", ông Dae-young Kim, Phó chủ tịch điều hành của Hanwha Aerospace nói với ABC News.
“Nhiều người nghĩ rằng các vũ khí thông thường như xe tăng chiến đấu và hệ thống pháo binh không nhất thiết phải thuộc về môi trường chiến đấu trong thế kỷ 21. Nhưng như đã thấy trong cuộc chiến Ukraine, năng lực pháo binh vẫn đóng một vai trò thiết yếu và Hanwha Aerospace có thế mạnh trong việc cung cấp chúng", ông Kim nhấn mạnh.
Thỏa thuận xuất khẩu của Hanwha với Ba Lan đã mở rộng dây chuyền sản xuất tại Changwon để tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Giám đốc sản xuất Cha Yong-su tại nhà máy sản xuất Hanwha Aerospace ở Changwon cho biết: “Mất khoảng 100 ngày để hoàn thành một khẩu lựu pháo K9 - bắt đầu từ việc đặt tấm nền và chạy thử nghiệm trên đường. Những công nhân lành nghề cũng như những người máy tự động đang hỗ trợ lịch trình bận rộn này”.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhắc lại lập trường chính thức của mình rằng họ sẽ không gửi cho Ukraine bất kỳ viện trợ sát thương trực tiếp nào trong bối cảnh tranh cãi hiện nay.