Những khóa huấn luyện khắc nghiệt nhất ở nước ngoài của biệt kích Mỹ

Cộng đồng biệt kích của Mỹ thường tham gia các khóa huấn luyện được coi là khắc nghiệt nhất trên thế giới. Ngoài việc được đào tạo trong nước, họ cũng tham gia các khóa huấn luyện ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Một thành viên đặc nhiệm quân đội Mỹ trao đổi với lực lượng đặc nhiệm Guatemala trước một cuộc luyện tập ở Guatemala ngày 3/3/2020. Ảnh: Business Insider

Trường Đặc công Dưới nước, Trường Biệt kích, Khóa Trinh sát Nâng cao, Khóa học Phân tích mục tiêu và Kỹ thuật khai thác, Khóa học Cứu thương chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm Mỹ là những chương trình đào tạo nổi tiếng về tiêu chuẩn cao và “khó nhằn”.

Nhiều thành viên lực lượng đặc nhiệm từ khắp nơi trên thế giới khao khát có cơ hội tham dự các khóa học của đặc nhiệm Mỹ. Các khóa học cũng có một vài học viên người nước ngoài.

Đôi khi, thành viên biệt kích Mỹ cũng học tại các trường ở nước ngoài. Một số khóa học ở nước ngoài cũng nổi tiếng không kém về mức độ khó khăn. Tờ Business Insider (Mỹ) đã khảo sát các thành viên đặc nhiệm Mỹ và chỉ ra hai khóa huấn luyện tại nước ngoài được coi là khắc nghiệt nhất.

La Escuela Militar de Lanceros

Chú thích ảnh
Binh sĩ Colombia khi tham gia khóa huấn luyện Lancero. Ảnh: Business Insider

Lancero tại Colombia là một trong những khóa đào tạo khó khăn nhất mà biệt kích Mỹ tham dự. Thành viên lực lượng Mũ nồi xanh thường xuyên góp mặt trong khóa đào tạo Lancero, đôi khi có cả đặc nhiệm SEAL của Hải quân và Kiểm lâm quân đội Mỹ.

Khóa huấn luyện có tên là La Escuela Militar de Lanceros trong tiếng Tây Ban Nha, được đặt tên theo Lanceros, người đã hỗ trợ nhà cách mạng Simon Bolivar trong cuộc chiến giành độc lập của Colombia.

Khóa đào tạo kéo dài 73 ngày được chia thành 3 phần chính: Thích ứng/Thích nghi, Chiến tranh không thường xuyên/Đô thị và Chiến tranh Núi/Rừng, tiếp theo là một tuần lễ tốt nghiệp cho những ứng viên vượt qua được các giai đoạn đào tạo. Học viên trượt một giai đoạn đào tạo sẽ phải học lại.

Nhà báo Steve Balestrieri kiêm cựu chuẩn úy trong lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ chia sẻ: “Trong giai đoạn huấn luyện Chiến tranh Núi/Rừng, các học viên của Lancero chỉ được ngủ từ 2-4 tiếng đồng hồ và phải liên tục thực hiện nhiệm vụ. Họ phải đeo balo nặng 32kg leo núi và hành quân quãng đường dài 36 km”.

Lancero được tổ chức tại vùng Andean ở Trung Tây Colombia. Lợi ích của việc tham gia khóa huấn luyện Lancero là trao cho các lính biệt kích kinh nghiệm giá trị về chiến thuật, kỹ thuật của Colombia.

Trường Biệt động Quân đội Hoàng gia Thái Lan

Chú thích ảnh
Một thành viên lực lượng Mũ nồi xanh khi dự khóa đào tạo của Trường Biệt động Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Business Insider

Đặc nhiệm Mỹ từng không tham dự khóa đào tạo của Trường Biệt động Quân đội Hoàng gia Thái Lan trong nhiều năm bởi rủi ro tử vong.

Khóa đào tạo của Trường Biệt động Quân đội Hoàng gia Thái Lan cũng diễn ra trong 73 ngày và chia thành 5 giai đoạn: trên núi, rừng, đầm lầy, biển và thành thị.

Vào tháng 12/2020, một lính Mũ nồi xanh là thành viên đầu tiên của Mỹ tham gia khóa học này ở Thái Lan trong hơn 4 thập niên. Người này không chỉ tốt nghiệp mà còn được ghi nhận về thành tích.

Tham dự các khóa học về nghiệp vụ ở nước ngoài đem lại cho các thành viên đặc nhiệm Mỹ nhiều lợi ích. Khi lính Mũ nồi xanh, Thủy quân lục chiến hoặc SEAL tham gia một khóa học nước ngoài, họ sẽ tốt nghiệp và thậm chí đôi khi đứng đầu lớp. Điều này gửi một thông điệp đến các bạn học nước ngoài của họ về chất lượng của quân đội Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nga ưu tiên đàm phán với Mỹ về đảm bảo an ninh
Nga ưu tiên đàm phán với Mỹ về đảm bảo an ninh

Nga sẽ yêu cầu Mỹ thảo luận về các đảm bảo an ninh một cách tổng thể và đối thoại về ổn định chiến lược sẽ tùy thuộc vào tiến bộ của các cuộc thảo luận này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN