Theo đài RT (Nga), hôm 11/4, ông Armin Papperger, Chủ tịch Tập đoàn Quốc phòng Rheinmetall, cho biết công ty ông đang chuẩn bị gửi 50 chiếc xe tăng thuộc mẫu Leopard 1 đã ngừng hoạt động cho Ukraine. Đợt chuyển giao đầu tiên có thể bắt đầu trong vòng 6 tuần tới. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng thỏa thuận này trước tiên phải nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Đức.
Ông Papperger giải thích một số chiếc xe tăng có thể được gửi tới Ukraine hiện nằm trong kho khí tài đã loại biên mà các binh chủng của Đức trả lại cho nhà sản xuất ban đầu. Công ty đang kiểm tra lại tình trạng của những phương tiện này.
Leopard 1 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế và sản xuất tại Đức. Loại xe tăng này lần đầu được đưa vào phục vụ trong quân đội từ năm 1965. Leopard 1 nặng 42 tấn, dài 9,54m, rộng hơn 3 mét và cao 2,76m. Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, xạ thủ và liên lạc viên.
Xe tăng được trang bị động cơ MTU MB 838 Ca M500, có công suất 830 mã lực. Phương tiện này có thể di chuyển với vận tốc 65km/h trên địa hình bằng phẳng với phạm vi hoạt động lên tới 600km. Leopard 1 được trang bị pháo nòng trơn Royal Ordnance L7A3, cỡ nòng 105mm cùng hai súng máy MG3 sử dụng loại đạn 7,62 x 51mm NATO.
Tu nhiên, từ năm 1990, Leopard 1 dần dần được thay thế bằng các loại tăng khác hiện đại hơn. Trong quân đội Cộng hòa Liên bang Đức, Leopard 1 đã chính thức ngừng hoạt động trong biên chế các lực lượng tăng - thiết giáp vào năm 2003. Nó được thay thế bởi loại tăng Leopard 2 - chiếc tăng chiến đấu chủ lực được các chuyên gia quân sự đánh giá là loại xe tăng hiện đại nhất trên thế giới.
Chính phủ Kiev đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin sẽ xem xét các lời kêu gọi của Kiev.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck từ chối tiết lộ liệu chính phủ nước này có chấp thuận chuyển giao xe tăng cho Ukraine hay không. Tuy nhiên, ông cho biết Đức có thể đồng ý vì lý do chính đáng, song không nêu chi tiết về chủng loại, cách thức vận chuyển và lộ trình cụ thể. Vị quan chức cũng cho biết có thể sẽ có thêm các đợt chuyển vũ khí tới Ukraine vì Đức đã cam kết hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Liên quan đến một loại khí tài quân sự khác, gần đây, Berlin đã từ chối cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder cho Kiev. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức mô tả phương tiện này “không thể thiếu” trong việc đảm bảo an ninh của quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch Rheinmetall thông báo rằng công ty đang chuẩn bị gửi khoảng 50- 60 chiếc Marder ngừng hoạt động đến Ukraine.
Tuy nhiên, một số chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền của Đức đã đặt câu hỏi về mức độ hữu ích của những chiếc xe tăng này và các phương tiện khác đối với Kiev, do quân đội Ukraine hầu hết được đào tạo để sử dụng khí tài quân sự do Liên Xô sản xuất. Ông Marcus Faber, người phát ngôn vấn đề quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do Đức, nhấn mạnh các binh sĩ cần được đào tạo chuyên sâu hơn để vận hành Leopard 1.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cũng dự đoán rằng Ukraine sẽ phải mất vài tuần để huấn luyện binh sĩ vận hành khí tài của Đức. Hơn nữa, ông chỉ ra rằng Kiev có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm loại đạn pháo thích hợp, loại pháo không được sản xuất ở Ukraine.
Theo tờ Handelsblatt, tập đoàn Rheinmetall thừa nhận vẫn còn một câu hỏi lớn về việc Ukraine sẽ lấy đạn dược từ đâu khi sử dụng các khí tài của Đức. Hiện hầu hết các nước đều đã loại biên xe tăng Leopard-1 và chỉ còn một số nước vẫn sử dụng trong đó có Brazil.
Mặc dù không bình luận về vấn đề vũ khí, nhưng Chủ tịch tập đoàn Rheinmetall nói rằng quân đội Ukraine có thể huấn luyện binh sĩ vận hành Leopard 1 trong vòng vài ngày.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức cùng với nhiều quốc gia khác đã cung cấp vũ khí cho nước này. Trong số các lô hàng được chuyển giao, có hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không di động.