Hình ảnh vệ tinh cho thấy xuất hiện nhiều nhóm nhỏ bao gồm binh sĩ, công nhân tại phía tây bãi thử. |
Theo bài viết trên trang mạng 38 North, hoạt động đào hầm diễn ra tại cổng phía Tây khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, trong khi cổng phía Đông khá yên tĩnh.
Trang mạng 38 North đã đăng một bài viết hôm 11/1 có nội dung: “Trong suốt tháng 12/2017, xe chở hàng sử dụng trong hầm và lực lượng công nhân liên tục hiện diện tại khu vực cổng phía Tây, và bãi liệu vật thải mở rộng đột biến. Ngày 28/12, có khoảng 100 đến 200 công nhân chia làm 7 nhóm có mặt tại Khu vực Hỗ trợ Phía nam. Các hoạt động này có thể là dấu hiệu cho thấy nỗ lực tiếp theo của Triều Tiên trong việc duy trì khả năng hoạt động của bãi thử Punggye-ri phục vụ cho lần thử hạt nhân tương lai”.
Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử hạt nhân. Lần thử bom nhiệt hạch mạnh nhất là vào đầu tháng 9 năm ngoái.
Trong tháng 10, các nhà địa chất Trung Quốc đã cảnh báo dãy núi thử hạt nhân có nguy cơ bị sụp đổ. Một nhà nghiên cứu hạt nhân cấp cao người Trung Quốc cho biết chỉ cần một vụ thử hạt nhân nữa thôi sẽ gây ra tình trạng sụp đổ trên diện rộng tại dãy núi này.
Theo một thông tin lan truyền trên các trang mạng truyền thông chưa được chính quyền Bình Nhưỡng xác thực, đã có một sự cố sập đường hầm tại bãi thử khiến gần 200 người thiệt mạng.
Sau đó chưa đầy 2 tháng, Triều Tiên lại tiếp tục đe dọa tiến hành lần thử hạt nhân thứ 7 trên Thái Bình Dương, gây mối lo nguy hại cho giao thông đường thủy và máy bay qua đây.
Hiện căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có phần hạ nhiệt sau khi hai nước Hàn – Triều tái thiệt lập đối thoại ngoại giao. Kết quả là Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội (Olympics) Mùa đông tại Pyeongchang vào tháng 2 tới. Phía Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.