Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/11 cho biết Bộ đội tên lửa chiến lược (RVSN) của nước này sẽ được trang bị thêm 22 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới vào năm 2014.Phát biểu tại cuộc họp bàn về tình hình và triển vọng phát triển RVSN, tổ chức tại thành phố Sochi, Tổng thống Putin nhấn mạnh thế giới không ngừng phát triển, Nga cũng cần phải trang bị cho quân đội những thế hệ vũ khí mới. Do vậy, Nga đã triển khai kế hoạch trang bị cho RVSN các hệ thống tên lửa hiện đại cố định và cơ động.
Hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 của Nga. Ảnh: Ria Novosti |
Trong năm nay, hai trung đoàn tên lửa đã được trang bị hệ thống tên lửa chiến lược cơ động mới và sang năm tới, Nga có kế hoạch bổ sung thêm 22 ICBM có bệ phóng trên mặt đất vào kho vũ khí của RVSN. Ông Putin nêu rõ Nga đã ưu tiên phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược và RVSN cần phải có khả năng chọc thủng mọi lá chắn phòng thủ tên lửa, cả các hệ thống hiện có và các hệ thống được phát triển trong tương lai.
Tại một cuộc họp khác bàn vấn đề phát triển lực lượng Hải quân Nga, Tổng thống Putin cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đóng các tàu ngầm mới có trang bị vũ khí cho Hải quân. Theo ông Putin, trong năm 2013, Hải quân Nga đã tiếp nhận tàu ngầm được trang bị tên lửa chiến lược "Yury Dolgoruky", và trong thời gian tới sẽ có thêm hai chiến hạm mới là "Aleksandr Nevsky" và "Vladimir Monokh". Đến năm 2020, ít 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược sẽ tiếp tục được phiên chế cho lực lượng này.
Theo kế hoạch, Nga sẽ chi hơn 1,46 tỷ USD để phát triển và bảo dưỡng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2014-2016 trong bối cảnh nước này có kế hoạch nâng cấp khoảng 85% vũ khí hạt nhân chiến lược của mình từ nay đến năm 2020.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không khu vực thủ đô Moscow sẽ được tăng cường thêm 1 trung đoàn tên lửa S-400.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Dmitry Zenin, ngoài 2 trung đoàn tên lửa S-400 đã được triển khai tại đây, trung đoàn S-400 thứ 3 sẽ được bố trí xung quanh thủ đô vào tháng 12 tới. Ngoài ra, tại khu vực này còn có sự góp mặt của tiểu đoàn phòng không hỗn hợp tầm ngắn Pantsir-S, được thiết kế để bảo vệ các hệ thống S-300 và S-400. Pantsir-S là tổ hợp phòng không cơ động được trang bị rađa, cảm biến, 2 pháo 30 mm và 12 tên lửa tầm ngắn điều khiển từ xa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay thấp.
Đầu tháng này, công ty Almaz-Antey, nhà sản xuất S-400, thông báo đã sẵn sàng chuyển giao hệ thống này cho quân đội Nga. S-400 có khả năng đánh chặn máy bay ở khoảng cách 250 km và tên lửa đạn đạo phi chiến lược cách 60 km. Hệ thống này, được thiết kế để bắn hạ đến 36 mục tiêu trên không và 72 tên lửa đến cùng một lúc, có thể chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong 5 phút.
TTXVN/Tin tức