Hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo, nâng cấp căn cứ Khmeimim được mạng tin War Zone chuyên về phân tích thông tin quân sự đăng tải từ tháng 2 vừa qua. Tại thời điểm đó, một trong hai đường băng chính của sân bay được kéo dài thêm khoảng 305 m. Bước cải tạo này cho phép căn cứ quân sự của Nga tại Syria đủ sức tiếp nhận các loại máy bay lớn hơn, kể cả vận tải hạng nặng hay máy bay ném bom chiến lược.
Truyền thông Nga dẫn nguồn tin ngày 27/5 cho biết, không quân Nga giờ có thể điều động máy bay hạ cánh liên tiếp xuống căn cứ Khmeimim, với thời gian chỉ cách nhau chỉ khoảng một phút. Sân bay tại đây cũng sẽ được lặp đặt các thiết bị mới để đón máy bay dân sự.
Sân bay Khmeimim có thể đón nhận máy bay dân dự, bởi mọi sân bay quân sự đều có công năng lưỡng dụng khi được lắp đặt các hệ thống thiết bị kĩ thuật bổ trợ. Công việc sửa chữa, nâng cấp hiện tập trung vào nâng cao tiềm lực phòng không, nâng công suất, tốc độ và khả năng vận hành chính xác để căn cứ này có thể đảm nhận các dịch vụ kĩ thuật cần thiết như sửa chữa, tiếp dầu, cung ứng thiết bị bảo dưỡng thay thế. Kế đến là nâng cấp, xây mới nhà chứa tàu bay (hangar), thiết bị chiếu sáng, định vị, tháp điều khiển không lưu, giúp phi công cất hạ cánh cả ngày lẫn đêm, trong bất kỳ hình thái thời tiết khắc nghiệt nào.
Nasr al-Yousef, một nhà báo Nga gốc Syria và hiện là Chủ tịch mạng tin Syrian Today, cho biết Moskva có ý định sử dụng căn cứ Khmeimim để mở rộng hoạt động kiểm soát ra khu vực lân cận dựa trên yêu cầu “bảo vệ căn cứ trước các đợt tấn công từ bên ngoài”. Theo thỏa thuận đã ký kết, Chính phủ Syria không được quyền giám sát máy bay và tàu chiến của Nga tiến vào các căn cứ không quân Khmeimin và căn cứ hải quân Tartus.
Còn theo Abdel Wahab Asi, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Josoor ở Istanbul, Nga đang hoàn tất việc mở rộng và bảo dưỡng đường băng sân bay Khmeimim, đủ sức để tiếp nhận ba loại máy bay ném bom chiến lược Nga đamg sở hữu là TU-22 M3, TU-95 MS và TU-160. Đằng sau đó là kế hoạch biến căn cứ này thành một trung tâm cung ứng hậu cần, vận chuyển chuyển lược từ Nga tới Syria rồi từ Syria tới các căn cứ khác ở Trung Đông như al-Jufra tại Libya hay một số cứ điểm khác Nga sẽ có hiện diện quân sự trong tương lai.
Động thái mới cho thấy mối quan tâm chưa có tiền lệ của Nga tới Trung Đông. Mở rộng căn cứ cũng là cách để Moskva chuyển thông điệp tới Mỹ, rằng sẽ không hề có sự rút lui tức thời của Nga khỏi khu vực và Syria vẫn là một trung tâm gây ảnh hưởng lớn đối với Nga.
Ngoài căn cứ không quân Khmeimim, Nga còn hiện diện tại quân cảng Tartus, theo thỏa thuận được ký với chính phủ Syria hồi năm 2019 có thời hạn 49 năm. Cơ sở hải quân này giúp củng cố thế áp đảo của Nga đối với toàn bộ vùng duyên hải của Syria trên vùng biển Đông Địa Trung Hải. Điều 25 trong thỏa thuận còn ghi rõ, hiệp định sẽ tự động được ra hạn thêm 25 năm nếu một trong hai bên thông báo ý định thư qua kênh ngoại giao và chỉ cần báo trước một năm trước khi hết hạn.
Giới phân tích quân sự nhìn nhận, Nga đang tìm cách thiết lập ảnh hưởng quân sự và chính trị dài hạn tại Syria, bằng việc được phép sử dụng các sân bay dân sự, quân sự ở Syria, thành lập các căn cứ quân sự trên bộ tại quốc gia Trung Đông này, trạng bị vũ khí, thiết bị hiện đại.
Kế đến, Moska cũng chú trọng xây dựng đội ngũ quan chức quân sự và an ninh có xu hướng thân Nga, đưa sang Nga huấn luyện, đào tạo, làm tiền đề để số này phát triển lên cao, nắm giữ cương vị trọng yếu trong chính phủ và quân đội Syria. Nga cũng sẽ mở rộng căn cứ hải quân Tartus, xây dựng cầu tàu mới để tiếp nhận tàu chiến và tàu thương mại Nga, lấy đây làm trung tâm cung ứng, hỗ trợ hậu cần, bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật.