Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg dự kiến sẽ rời vị trí vào cuối tháng 9, sau 9 năm tại vị. Nhiều thành viên của khối quân sự này muốn tìm được nhân vật thay thế ông Stoltenberg trong hoặc thậm chí trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Litva vào giữa tháng 7.
Như vậy, sẽ không có nhiều thời gian để 31 quốc gia thành viên NATO đạt được đồng thuận cần thiết nhằm chọn mộtTtổng thư ký mới. Cũng có khả năng họ yêu cầu ông Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), bất cứ ai nắm giữ vị trí Tổng thư ký NATO ở thời điểm này sẽ phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh hỗ trợ Ukraine đồng thời đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào xung đột với Nga.
Cuộc cạnh tranh cho vị trí Tổng thư ký NATO hiện không rõ ràng, chủ yếu diễn ra trong các cuộc tham vấn giữa các lãnh đạo và nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn sẽ tiếp diễn cho đến khi tất cả các thành viên NATO đồng ý rằng họ đã đạt được đồng thuận.
Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao đã phục vụ cho NATO trong 38 năm, nhận định các nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm một chính khách, nhà giao tiếp và nhà ngoại giao có kinh nghiệm.
Nhiều nước thành viên ưu ái cựu thủ tướng hoặc tổng thống để đảm bảo Tổng thư ký của NATO có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất. Ông Stoltenberg (64 tuổi) từng là Thủ tướng Na Uy. Một số thành viên khác, đặc biệt là Pháp, muốn một nhân vật đến từ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng có hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gần đây tuyên bố rằng ông thích công việc này. Tuy nhiên, một số thành viên lại ủng hộ NATO có nữ Tổng thư ký đầu tiên. Do đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký. Nhiều nhà ngoại giao NATO tiết lộ với Reuters rằng đằng sau “hậu trường”, bà Frederiksen đang được xem xét nghiêm túc. Nhưng nữ Thủ tướng Đan Mạch nói rằng bà không phải là một ứng viên.
Tờ báo Na Uy VG đã đề cập đến tên của bà Frederiksen là ứng viên cho vị trí Tổng thư ký NATO vào tháng trước. Nhưng trong tuần này truyền thông lại đặc biệt quan tâm đến bà hơn khi Nhà Trắng thông báo Thủ tướng Frederiksen sẽ đến thăm Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 6.
Trong buổi họp báo tại Copenhagen vào hôm 24/5, bà Frederiksen đã hạ thấp suy đoán rằng chuyến thăm Mỹ có thể dẫn đến một cuộc phỏng vấn xin việc cho vị trí tại NATO.
Vị trí Tổng thư ký NATO thường thuộc về một chính khách châu Âu, nhưng bất kỳ ứng viên nghiêm túc nào cũng cần có sự ủng hộ từ Washington. Nguồn thạo tin của Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa có ứng viên ưa chuộng và một "cuộc tranh luận sôi nổi" giữa các trợ lý hàng đầu đang diễn ra.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "còn quá sớm” để suy đoán Mỹ sẽ ủng hộ nhân vật nào.
Bà Frederiksen (45 tuổi), thuộc Đảng Dân chủ Xã hội đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất Đan Mạch vào năm 2019. Bà được ca ngợi về khả năng quản lý khủng hoảng trong đại dịch COVID-19 và đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2022.
Nếu được nhận công việc, bà Frederiksen sẽ trở thành Tổng thư ký NATO thứ ba liên tiếp đến từ một quốc gia Bắc Âu. Bà sẽ phải từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng nếu trở thành Tổng thư ký NATO.
Đan Mạch đã không đạt được mục tiêu của NATO đề ra là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đan Mạch đang đạt mức 1,38% và Thủ tướng Frederiksen đã cam kết tăng tốc các nỗ lực để đạt được mục tiêu 2%.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng được nhắc đến trong bàn luận giữa các nhà ngoại giao và báo chí.
Nhưng các nhà ngoại giao cho rằng đối với một số thành viên NATO, bà Kallas được coi quá mạnh mẽ với Nga. Trong khi đó, Đức muốn bà von der Leyen ở lại Ủy ban châu Âu còn ông Freeland phải đối mặt với những trở ngại lớn khi không đến từ một quốc gia châu Âu và Canada bị coi là chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.
Những cái tên khác cũng được nhắc đến là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Nhưng ông Rutte khẳng định không muốn công việc đó. Còn ông Sanchez dự kiến sẽ “chiến đấu” trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
Sự thiếu hụt các ứng cử viên nhận được ủng hộ rộng rãi làm tăng khả năng nhiệm kỳ của ông Stoltenberg có thể gia hạn. Ông Stoltenberg đã nói không muốn ở lại lâu hơn. Tuy nhiên, ông cũng không nhắc đến sẽ phản ứng thế nào nếu được yêu cầu gia hạn.