Theo đó, các nhà chức trách ở Nhật Bản đã sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về kế hoạch triển khai. Các quan chức Nhật Bản nói rằng động thái này có thể đạt được sự cân bằng chiến lược giữa Washington và Tokyo ở Đông Á.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu và Quốc tế tại Đại học Kinh tế Nga Vasily Kashin nhận định, Mỹ đã cân nhắc triển khai tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối trọng với các lực lượng của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ nay và Washington đã rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) cũng vì lý do này. Mỹ nhận thấy rằng bất kỳ tàu chiến mặt nước nào có thể triển khai ở Tây Thái Bình Dương đều dễ bị tấn công, trong khi năng lực các bệ phóng tên lửa của chúng kém hơn so với tên lửa Trung Quốc.
Về phần mình, Oleg Paramonov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á và SCO của Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), cho rằng việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Kyushu có thể sẽ là bước đầu tiên. Theo ông Paramonov, việc Nhật Bản đồng ý với bất kỳ hoạt động triển khai nào như vậy sẽ đồng nghĩa với sự leo thang hơn nữa của cuộc chạy đua tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương.