Theo tờ Barron's ngày 26/1, một số nhà phân tích cho biết điều có thể giải thích tại sao Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử tên lửa trong 3 tuần qua là nhằm sự thể sức mạnh quân sự của nước này với vũ khí hạt nhân trước những ngày kỷ niệm quan trọng.
Ahn Chan-il, Chủ tịch Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, nhận định: "Việc phát triển vũ khí và tên lửa có lẽ là điều Triều Tiên có thể tự tin thể hiện như một thành tựu". Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jong Il vào tháng 2, cũng như sinh nhật lần thứ 110 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vào tháng 4 tới.
Seong-chang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong nói với AFP rằng theo hệ thống chính trị của Triều Tiên, việc kỷ niệm ngày sinh của các lãnh tụ rất quan trọng về mặt chính trị. “Đối với những ngày kỷ niệm quan trọng như vậy, Triều Tiên thích tổ chức một cuộc duyệt binh để phô diễn vũ khí mới. Quốc gia này thường thử nghiệm các loại vũ khí mới trước khi đưa ra công khai, điều này chứng tỏ năng lực của đất nước", ông Seong-chang nói.
Bình Nhưỡng đã không thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc bom hạt nhân kể từ năm 2017, tạm dừng các vụ phóng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay vào ngoại giao cấp cao thông qua ba cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác.
Nhưng tuần trước, nước này cho biết sẽ xem xét việc khởi động lại tất cả các hoạt động tạm thời bị đình chỉ, để đáp lại điều mà Bình Nhưỡng gọi là "hành động khiêu khích" khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Lần gần nhất Triều Tiên thử nghiệm nhiều loại vũ khí này trong một tháng là vào năm 2019, sau khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa ông Kim và ông Trump sụp đổ.
Với thông tin về giá lương thực tăng vọt và nạn đói leo thang, Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn về kinh tế và đầu tháng này đã tái khởi động thương mại xuyên biên giới với nước láng giềng Trung Quốc. Quyết định gần đây của Bình Nhưỡng chấp nhận viện trợ của Trung Quốc - lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát - có thể đã thúc đẩy việc phô diễn sức mạnh của quân đội, Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nhận định.
Với việc Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào đầu tháng 2, Triều Tiên ít có cơ hội thể hiện sức mạnh trước cuộc bầu cử sắp tới của Hàn Quốc. Chuyên gia Easley lưu ý: "Triều Tiên thử tên lửa để cải thiện khả năng quân sự và gửi tín hiệu trước cuộc bầu cử tổng thống của Hàn Quốc vào ngày 9/3 và Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày 4/2", nhấn mạnh rằng không có khả năng chuỗi các vụ phóng gần đây trực tiếp nhằm mục đích khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quay lại các cuộc đàm phán.
Theo chuyên gia Easley, Bình Nhưỡng "tỏ ra không quan tâm đến các cuộc đàm phán trong khi tự cô lập để ngăn chặn COVID-19".
Về phần mình, Yang Moo Jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên bình luận, Trung Quốc sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, nhưng nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa tái khởi động các vụ thử hạt nhân hoặc tầm xa, thì Bắc Kinh sẽ "gần như không thể" giúp đỡ.