Liên minh châu Âu bất đồng về mua sắm vũ khí Mỹ

Pháp đang dẫn đầu cuộc tranh luận gay gắt về chiến lược mua sắm vũ khí của EU, kiên quyết yêu cầu tiền thuế châu Âu phải dành cho vũ khí do EU tự sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nước như Ba Lan lại ưu tiên mua vũ khí Mỹ để tăng cường sức mạnh nhanh chóng. 

Chú thích ảnh
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Politico, Pháp đang tiên phong trong một cuộc tranh luận gay gắt về chiến lược mua sắm vũ khí quốc phòng, kiên quyết cho rằng tiền thuế châu Âu nên được chi cho các hệ thống quân sự được thiết kế và sản xuất trong khu vực.

Cuộc thảo luận về vấn đề trên diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, buộc EU phải xem xét lại năng lực quốc phòng. Hiện tại, các số liệu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào Mỹ: từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, 63% tổng số đơn đặt hàng quốc phòng của EU được đặt với các công ty Mỹ.

Các quốc gia có vị trí địa lý gần Nga như Ba Lan có xu hướng ưu tiên mua vũ khí sẵn có để nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz thẳng thắn: "Chúng tôi quan tâm đến thiết bị tốt nhất có thể được cung cấp nhanh nhất có thể".

Ba Lan đã chi 60 tỷ USD cho vũ khí Mỹ. Ngược lại, Pháp và Hy Lạp lại muốn tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong EU.

Nhưng một nhà ngoại giao châu Âu chỉ ra góc nhìn chính trị: "Nếu chúng ta đầu tư hàng tỷ USD vào năng lực quốc phòng và kiên quyết loại Mỹ ra, bạn nghĩ điều đó sẽ được (Tổng thống) Donald Trump chào đón ở Mar-a-Lago sao?".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã đề xuất chi 500 tỷ euro cho quốc phòng trong thập kỷ tới. Các nước Baltic và Ba Lan thậm chí muốn EU chi ít nhất 100 tỷ euro cho quốc phòng vào năm 2027.

Một sĩ quan quân sự Pháp thừa nhận: "Tôi e rằng Pháp hơi bị cô lập và không nhận được nhiều sự ủng hộ; các quốc gia khác thực tế hơn".

Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Yiannis Kefalogiannis ủng hộ quan điểm của Pháp, cho rằng việc mua vũ khí "được phát triển và sản xuất tại EU sẽ mang lại quyền tự chủ chiến lược lớn hơn, đặc biệt nếu NATO chịu áp lực trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump".

Một quan chức Pháp khẳng định: "Không có sự chia rẽ giữa những người muốn mua hàng Mỹ và những người muốn dành ưu tiên cho châu Âu".

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông António Costa nhấn mạnh: "Châu Âu cần phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn cho quốc phòng của chính mình. Châu Âu cần phải trở nên kiên cường hơn, hiệu quả hơn, tự chủ hơn".

Một chuyên gia nhận định việc đạt được thống nhất về vấn đề trên sẽ như "phẫu thuật hở van tim cho một vận động viên hàng đầu" - cực kỳ quan trọng nhưng vô cùng phức tạp.

Với những thách thức địa chính trị hiện tại, quyết định về chiến lược mua sắm vũ khí của EU sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong việc xác định vai trò địa chính trị của khối trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
EU cảnh báo thuế quan của Mỹ gây gián đoạn kinh tế không cần thiết
EU cảnh báo thuế quan của Mỹ gây gián đoạn kinh tế không cần thiết

Ngày 2/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chính sách này làm gián đoạn thương mại toàn cầu và gây hại cho tất cả mọi người, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả nếu bị nhắm mục tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN