Lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực từ 0h ngày 22/2, giờ địa phương (2h30 giờ Việt Nam) và kéo dài 7 ngày. Thỏa thuận ngừng bắn một phần này được kỳ vọng sẽ mở đường cho một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến này.
Tại tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, nơi được coi là thủ phủ của Taliban, một tay súng cho biết ông ta đã nhận được lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, một chỉ huy của Taliban tại đây lại nói rằng ông ta chỉ nhận được lệnh ngừng các cuộc tấn công vào các thành phố lớn và các tuyến đường cao tốc.
Trước đó, cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và phiến quân Taliban đều ra tuyên bố cho biết hai bên sẽ tiến hành ký thỏa thuận chính trị vào ngày 29/2 tới tại Doha (Qatar), sau khi tuần lễ giảm căng thẳng này kết thúc.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ-Taliban, cho rằng thỏa thuận này sẽ mở ra con đường đưa tới hòa bình bền vững cho Afghanistan.
Hơn một năm qua, Mỹ, quốc gia tham chiến tại Afghanistan với vai trò hỗ trợ chính phủ nước này, đã đàm phán với phiến quân Taliban nhằm tìm kiếm thỏa thuận giúp Washington rút hàng nghìn binh lính về nước, đổi lại Taliban phải tuân thủ hàng loạt cam kết và đảm bảo an ninh tại quốc gia này. Tuần giảm căng thẳng sẽ là thời điểm để kiểm chứng thiện chí của Taliban với thỏa thuận này và kiểm soát các lực lượng của mình trong khi phía Mỹ cũng sẽ rút khoảng 50% lực lượng tại Afghanistan hiện đang ở mức khoảng 12.000 đến 13.000 người.
Giới quan sát cho rằng lệnh ngừng bắn lần này ở Afghanistan chứa đựng nhiều rủi ro, thậm chí nhiều người còn cho rằng "tuần giảm căng thẳng" có thể là thời điểm để các bên tham chiến củng cố lực lượng và đảm bảo lợi thế trên thực địa.