Khi các chính khách phác thảo về Dự Luật Ủy Quyền Quốc phòng 2021, Lầu Năm Góc đã đề nghị Quốc hội cho phép để đảm bảo được hai tàu ngầm lớp Columbia mới cho Hải quân Mỹ.
Trang Defense News ngày 13/5 đưa tin đề nghị của Lầu Năm Góc “tạo điều kiện để Hải quân mua 2 tàu ngầm lớp Columbia (SSBN 826 và SSBN 827), hình thành ổn định công nghiệp, hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí hơn”.
Thỏa thuận về những tàu ngầm này đã ở giai đoạn đàm phán trong thời gian dài và dịch COVID-19 được cho có thể đem lại lợi thế cho Lầu Năm Góc. Bởi hợp đồng trị giá 17,7 tỷ USD sẽ đảm bảo về kinh tế cho General Dynamics trong thời điểm hàng loạt doanh nghiệp lao đao vì CVOID-19 tại Mỹ.
Theo “chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia” được Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ công bố, trong tài khóa 2021, từ tháng 10/2019 này, chiếc đầu tiên trong 12 tàu ngầm hạt nhân mới sẽ được đảm bảo. Chiếc thứ hai chưa nằm trong dự định cho đến tài khóa 2024. 10 tàu ngầm lớp Columbia cuối sẽ được thu mua trong tài khóa 2026-2035.
Defense News nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ còn 8,2 tỷ USD chưa chi trả với tàu ngầm đầu tiên. Trong khi đó, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ dự định bơm khoảng 6,2 tỷ USD cho hợp đồng này.
Thời gian sẽ có câu trả lời về quá trình đề xuất tư pháp với việc mua hai tàu ngầm lớp Columbia nhưng Chủ tịch Tiểu ban sức mạnh Hải quân của Ủy ban Quân vụ Thượng viện - ông David Perdue đang “nghiêm túc cân nhắc vấn đề này”.
Theo Defense News, ông Perdue “chắc chắn hỗ trợ và đang hướng tới thủ tục kinh doanh tốt hơn trong Bộ Quốc phòng”. Bên cạnh đó, ông cũng nghiêm túc xem xét bất cứ đề xuất nào tiết kiệm được chi phí và tăng tính hiệu quả.
Hãng tin Sputnik (Nga) đánh giá Lầu Năm Góc cố gắng cắt giảm chi phí về tàu ngầm hạt nhân ở thời điểm Hải quân đẩy mạnh tăng cường lực lượng lên 355 tàu. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Norquist là người đứng đầu nỗ lực này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper đã nhiều lần đề nghị sự mở rộng này. Tuy nhiên, trong tháng 4 đã có sự việc gây chú ý từ đánh giá nội bộ trong văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng đề xuất thu hồi 2 trong số 11 tàu sân bay và tăng cường chiến hạm hạng nhẹ, không người lái. Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Esper ủng hộ máy bay không người lái và chiến hạm tự động theo chủ trương thắt chặt ngân sách của Lầu Năm Góc.
Ông Esper là người chủ trương đẩy nhanh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, không nên cắt giảm bất kỳ chương trình hiện đại hóa nào để củng cố kho vũ khí chiến lược của nước này cũng như đề phòng trước mọi mối đe dọa.
Theo ông Esper, Lầu Năm Góc hiểu rằng kinh phí được phân bổ để hỗ trợ nền kinh tế trong tình hình bùng phát đại dịch COVID-19 với số tiền 3.000 tỷ USD đang tạo thêm gánh nặng nợ nần cho ngân sách và nền kinh tế nói chung. Ông cam kết rằng Bộ Quốc phòng đã tính đến điều này khi lập kế hoạch dự trù ngân sách của bộ.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân của nước này. Do vậy, lần đầu tiên sau vài thập kỷ, Mỹ đã nối lại việc sản xuất lõi plutoni cho đầu đạn. Những năm qua, Mỹ đã ngừng tiết lộ thông tin về số lượng đầu đạn hạt nhân mà cường quốc này sở hữu trong biên chế sẵn sàng chiến đấu và tại các kho chứa, dữ liệu mới nhất chỉ cập nhật đến năm 2017.