Khó khăn của Nga và Ukraine trước mùa đông 2023

Ukraine và Nga đều có những thách thức trước mùa đông khắc nghiệt trong xung đột hiện nay.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Sputnik

Việc thiếu đột phá trong cuộc phản công từ mùa hè của Ukraine và thay đổi về lợi thế liên quan đến trang thiết bị đồng nghĩa với việc Kiev phải chiến đấu thận trọng nếu muốn giữ thế chủ động. Đây là nhận định mới đây của Tiến sĩ Jack Watling, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (RUSI).

Tiến sĩ Jack Watling cho rằng, bất chấp những nỗ lực của quân đội Ukraine, 5 tháng hoạt động tấn công vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của Nga ở Zaporizhzhia. Ukraine vẫn duy trì được một số áp lực đối với các lực lượng Nga, nhưng rất khó có khả năng sẽ đạt được bước đột phá trong năm nay trừ khi lực lượng Nga quyết định rút lui. Quân đội Ukraine hiện phải đối mặt với một loạt điều kiện khó khăn: duy trì lợi thế trước các lực lượng Nga, trong khi cần tái cơ cấu các đơn vị cho các hoạt động tấn công trong tương lai.

Cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn trong tạo ra sức mạnh chiến đấu tấn công vào năm 2023. Tiêu hao nặng nề về sĩ quan chỉ huy cấp thấp có kinh nghiệm và binh sĩ chiến trường được huấn luyện đã hạn chế việc phối hợp các hành động tấn công. Kết hợp với địa hình có các bãi mìn dày đặc, lực lượng Ukraine bị hạn chế trong các hoạt động ở cấp đại đội. Khi mở rộng quy mô hoạt động, lực lượng Ukraine sẽ mất đi sự phối hợp với các vũ khí và phương tiện hỗ trợ. Tương tự, Nga cũng gặp khó khăn trong việc phối hợp và điều phối các hoạt động quy mô lớn hơn.

Đối với cả hai bên, khả năng mở rộng quy mô để họ có thể hoạt động hiệu quả bị hạn chế do thiếu nhiều quân nhân được huấn luyện. Các đơn vị Ukraine sắp triển khai ra mặt trận, đang được đào tạo bổ sung ở quy mô lớn hơn tại nhưng địa điểm ở xa mặt trận để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, Nga đang điều động lực lượng dự bị để duy trì sức mạnh của các đơn vị ở mặt trận.

Trong mùa đông năm 2022-2023, phần lớn mặt trận đã chứng kiến ​​các cuộc giao tranh dữ dội, nhưng chỉ có những nỗ lực của Ukraine nhằm thay đổi đáng kể giới tuyến. Việc quân đội Ukraine không đủ sức mạnh tạo ra đột phá đã cho phép các lực lượng Nga xây dựng ba tuyến phòng thủ rộng khắp bằng mìn, chiến hào và chướng ngại vật, khiến các hoạt động tấn công của Ukraine trong mùa hè này trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nếu Ukraine không tiếp tục gây áp lực lên tuyến phòng thủ của Nga trong mùa đông năm nay, nguy cơ các tuyến phòng thủ này sẽ được mở rộng. Vì vậy, Kiev phải cân bằng việc tái bố trí lực lượng với nhu cầu duy trì áp lực lên các lực lượng Nga.

Bên cạnh đó, Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức hơn nữa do sự thay đổi cán cân lợi thế về vũ khí. Trong mùa hè, Ukraine lần đầu tiên giành được ưu thế về hỏa lực. Điều này rất quan trọng đối với tiến độ đã đạt được, nhưng lại chứng kiến ​​​​tốc độ tiêu thụ đạn dược trên 200.000 viên mỗi tháng.

Ukraine có thể sẽ không có đủ đạn dược để duy trì tốc độ bắn này khi kho dự trữ của NATO cạn kiệt và tốc độ sản xuất đạn dược vẫn còn quá thấp so với nhu cầu.

Về phía Nga, nếu so sánh, hoạt động sản xuất đã có sự chuyển đổi, không chỉ số lượng đạn dược trong nước tăng nhanh mà còn được cho là có sự bổ sung từ bên ngoài.

Một thách thức khác với Ukraine là vấn đề phòng không. Biện pháp hợp lý nhất để Nga giành được lợi thế quyết định trên chiến trường là nếu lực lượng không quân của nước này có thể ném bom từ độ cao trung bình, làm tăng đáng kể độ chính xác của các cuộc tấn công. Để làm được điều này, họ cần phải loại bỏ khả năng phòng không của Ukraine. Trong bối cảnh đó, các cuộc tấn công sắp tới của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vẫn là thách thức chiến lược. Vì vậy, Ukraine cần phải đánh chặn tên lửa của Nga - nhưng tên lửa đánh chặn lại là loại vũ khí khan hiếm.

Đối với Nga, nguồn cung vũ khí tấn công ngày càng tăng. Vào tháng 10/2022, Nga sản xuất khoảng 40 tên lửa tầm xa mỗi tháng. Hiện nay họ sản xuất hơn 100 tên lửa mỗi tháng và được bổ sung bởi số lượng lớn máy bay không người lái Geran-2.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo rusi.org)
Ukraine đặt mục tiêu trở thành 'kho vũ khí' của châu Âu
Ukraine đặt mục tiêu trở thành 'kho vũ khí' của châu Âu

Ukraine muốn các nhà thầu quốc phòng đầu tư vào nước này và giúp xây dựng một ngành công nghiệp vũ khí hiện đại, trở thành một trung tâm lớn của châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN