Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng ít nhất một vật thể chưa xác định từ khu vực Sino-ri, thuộc tỉnh Bắc Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 77km về phía Tây Bắc, và là nơi có căn cứ tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong - loại tên lửa có tầm bắn 1.300km, có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản.
JCS sau đó cho biết các vật thể bay mà Triều Tiên phóng có thể là 2 tên lửa tầm ngắn, bay được 420km và 270km về phía Đông, và đạt đến độ cao khoảng 50km trước khi rơi xuống biển. Tầm bắn như vậy đã vượt tầm của vật thể bay xa nhất trong vụ phóng ngày 4/5.
Người phát ngôn Văn phòng An ninh quốc gia của Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống) cho biết Hàn Quốc đang theo dõi sát mọi diễn biến an ninh, và Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Chung Eui-yong đã tiến hành hội thảo trực tuyến với Bộ Quốc phòng và JCS tại trung tâm quản lý khủng hoảng quốc gia.
Đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng thử vũ khí trong vòng một tuần qua, chỉ 5 ngày sau khi nước này phóng một loạt vật thể bay tầm ngắn chưa xác định ở bờ biển phía Đông, trong đó có "vũ khí dẫn đường chiến thuật" mà nước này đã thử nghiệm trước đó không lâu.
Sau vụ phóng ngày 4/5, Seoul và Washington có phản ứng khá thận trọng, không lên án vụ việc và đang cân nhắc gửi viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Hiện chưa rõ liệu vụ phóng mới nhất có ảnh hưởng tới các kế hoạch viện trợ lương thực hay không.
Vụ phóng mới diễn ra vào đúng lúc giới chức Mỹ và Nhật Bản đang thăm Hàn Quốc, trong đó có Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, để tiến hành các cuộc thảo luận ba bên về phòng thủ.
Sáng 9/5, ông Biegun đã hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon và dự kiến gặp gỡ các quan chức cấp cao khác, trong đó có Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon-chul trong ngày 10/5.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nhận định hai vụ phóng nói trên của Triều Tiên có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ca ngợi là thành quả lớn nhất của mình: Triều Tiên ngừng thử nghiệm vũ khí.
Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Bán đảo Triều Tiên đã trải qua một quãng thời gian khá "yên ắng" về quân sự trong khi các bên xúc tiến các nỗ lực ngoại giao tích cực với 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều, hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng như các hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều và Nga - Triều, trong đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, kể từ đó các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc do lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên còn quá nhiều khác biệt.