Giữa căng thẳng với Nga, Ukraine tham gia chương trình hợp tác công nghệ của NATO

Ngày 12/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết nước này đã trở thành thành viên liên kết của Chương trình Tương tác Đa phương (MIP) về hợp tác công nghệ giữa quân đội các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov. Ảnh IT

Bộ phận báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine dẫn lời ông Oleksiy Reznikov khẳng định: “Ukraine có tiềm năng công nghệ thông tin mạnh và là một đồng minh xứng đáng của NATO. Tôi tin tưởng chúng tôi sẽ có đóng góp chuyên môn vào sự củng cố an ninh chung”. Theo bộ trên, với tư cách thành viên liên kết của MIP, Ukraine sẽ có quyền tham gia phát triển và áp dụng những tiêu chuẩn quan trọng của NATO về khả năng tương tác của các hệ thống điều khiển tác chiến và các hoạt động liên quan. 
MIP là chương trình hợp tác công nghệ giữa lực lượng vũ trang các quốc gia thành viên NATO, được các nhà phát triển hệ thống thông tin điều khiển tác chiến xây dựng ở cấp quốc gia, nhằm đạt được khả năng tương tác giữa các hệ thống Thông tin Chỉ huy và Điều khiển (C2IS) trong tác chiến.

Cùng ngày, báo Financial Times dẫn lời quan chức phương Tây cho biết một số nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận thiết lập một cơ chế theo dõi vũ khí trước những lo ngại rằng các khí tài quân sự viện trợ cho Ukraine sẽ bị tuồn ra “chợ đen”. Một quan chức phương Tây nói rằng: “Tất cả số vũ khí này tập kết tại miền Nam Ba Lan, được chuyển tới biên giới rồi chia nhỏ sang các phương tiện như xe tải, xe thùng kể cả xe riêng để chuyển vào Ukraine. Từ đó trở đi, chúng tôi mất dấu vị trí và đích đến của các vũ khí này”.

Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, phương Tây đã chuyển giao hoặc cam kết viện trợ cho Kiev trên 10 tỷ USD viện trợ quân sự, trong đó có tên lửa vác vai, xe bọc thép, các loại súng trường và đạn dược.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine phải đi qua châu Âu
Con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine phải đi qua châu Âu

Sự chung sống hòa bình sẽ chỉ đạt được thông qua các cuộc đàm phán thành công giữa các thủ đô châu Âu và Moskva, mà không có Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN