Với 377 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) đã có đủ sự ủng hộ cần thiết để được tiếp tục trình lên Thượng viện để tiến hành bỏ phiếu vào tuần tới theo dự kiến. Tổng thống Trump đã cam kết sẽ ký NDAA ngay sau khi dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua.
Trước đó, sau nhiều tháng thương lượng, ngày 9/12, Hạ viện Mỹ và Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận về dự luật chi tiêu quốc phòng hằng năm này. Đây được coi là sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai chính đảng trong bối cảnh bất đồng trong nhiều lĩnh vực.
NDAA bao gồm 658,4 tỷ USD dành cho các chương trình an ninh quốc của Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ, 71,5 tỷ USD được chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, hay còn được gọi là quỹ "Các chiến dịch bất ngờ nước ngoài", và 5,3 tỷ USD dành cho việc khắc phục hậu quả do thiên tai và các hình thái thời tiết cực đoan.
Dự luật năm nay tăng chi quốc phòng thêm 3,1%, gồm các khoản hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến nhằm ứng phó với sự cạnh tranh và mối đe dọa từ bên ngoài. Văn kiện này cho phép chi 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, bao gồm chi phí mua các hệ thống phòng thủ gây sát thương, hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ duyên hải và tên lửa chống tàu chiến. Văn kiện này cũng nghiêm cấm mọi hoạt động hợp tác quân sự với Nga.
NDAA là một trong số ít dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua mỗi năm và trở thành công cụ thực hiện loạt chính sách quốc phòng, từ tiền lương đến các thỏa thuận mua bán, hiện đại hóa tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu.
Đã có nhiều ý kiến quan ngại về việc năm nay có thể là năm đầu tiên trong 58 năm qua, NDAA không được thông qua do những bất đồng sâu sắc giữa đảng Dân chủ, kiểm soát Hạ viện, và đảng Cộng hòa, chi phối Thượng viện, liên quan đến các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump.