Sốc không hẳn bởi số lượng các cuộc không kích mà Nga thực hiện ở Syria lớn gấp 3 lần mức giới hạn cho phép của liên quân chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu. Nổi bật hơn cả là tính chính xác: Máy bay Nga có thể tác chiến cả ban ngày lẫn ban đêm, từ độ cao 5.000m ném bom chính xác vào một phần tử IS đang mang tên lửa phòng không vác vai (MANPAD).
Cường kích Su-24 tham gia không kích tại Syria. Ảnh: AFP |
Thế nhưng ấn tượng nhất chính là việc chiến dịch không kích này chủ yếu do các cường kích già nua như Su-24 (phiên chế năm 1974) và Su-25 (phiên chế năm 1981) đảm trách. Nga cũng triển khai một số máy bay đời mới nhất Su-34 tại Syria, nhưng chủ yếu là để kiểm nghiệm khả năng tác chiến trên thực địa. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc những “đồ cổ” như Su-24, Su-25 lại có được sức mạnh đáng gờm trên bầu trời Syria? Câu trả lời chính là hệ thống SVP-24 được lắp đặt trên máy bay, giúp các loại bom thông thường biến thành bom thông minh, dẫn đường, có độ chính xác cao.
Công nghệ bom thời Thế chiến 2 chỉ đơn giản là bom trọng lực. Về mặt nguyên lý, máy bay cắt bom sau khi phi công ngắm bắn qua hệ thống mục tiêu cơ bản. Chúng có thể đi lệch mục tiêu. Đối với chiến thuật ném bom rải thảm, như vậy là đủ. Thế nhưng nó lại không phù hợp với đòn đánh bom chính xác. Khi công nghệ chế tạo phát triển, tốc độ của các chiến đấu cơ được nâng lên và chỉ một tích tắc nhanh hay chậm ở thời điểm ấn nút cũng có thể khiến trái bom lệch mục tiêu 600-800m, thậm chí còn lớn hơn. Một số nước vì thế đã chuyển hướng sang chế tạo bom dẫn đường, chủ yếu là hai loại dẫn đường bằng laser và dẫn đường bằng màn hình TV.
Bom dẫn đường bằng laser hoạt động theo nguyên lý khá đơn giản: cách phi công (hoặc nhóm chỉ định mục tiêu mặt đất) chiếu tia laser vào mục tiêu và trái bom sẽ bay theo hướng có vệt của tia laser. Còn với bom điều khiển bằng TV, các nhân viên vận hành hệ thống vũ khí hướng camera TV về mục tiêu và cắt bom. Tuy vậy cả hai loại bom này đều chưa thật hoàn hảo, vì chỉ cần một đám mây mù xuất hiện thôi thì tia laser và camera sẽ gặp khó, khiến bom đi không chính xác.
Dẫn đường bằng vệ tinh đã tạo ra kỉ nguyên mới cho ngành chế tạo vũ khí có điều khiển. Lần đầu tiên, các tổ hợp quân sự đã thành công trong việc sử dụng tín hiệu vệ tinh từ hệ thống định vị GPS (tương thích của Nga là GLONASS) để dẫn bom đi đúng mục tiêu. Loại bom dẫn đường bằng vệ tinh này không chỉ chính xác hơn, mà còn không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Sự xuất hiện của loại bom này đưa đến hai thực tế: Một là, giá thành quá đắt và hai là sẽ phải xử lý như thế nào đối với hàng chục nghìn trái bom giá rẻ, bom không dẫn đường (bom "đần") còn chất đầy trong các kho chứa?
Hệ thống SVP-24 được lắp đặt trên các máy bay chiến đấu của Nga. Ảnh: RI |
Người Mỹ chọn giải pháp tận dụng số bom “đần” bằng cách gắn thêm bộ kit dẫn đường tấn công trực diện (JDAM) lên phần đít bom, biến bom thường thành bom thông minh. Tuy nhiên thiết bị này vẫn rất đắt: 25.000 USD/bộ kit. Người Nga có cách giải quyết kinh tế hơn: thay vì đặt bộ kít lên bom, các kĩ sư Nga đã cho lắp đặt hệ thống máy tính đặc biệt mang tên SVP-24 ở trong khoang máy bay chiến đấu.
Hệ thống này hoạt động trên nguyên lý liên tục so sánh vị trí giữa máy bay với mục tiêu (thông qua hệ thống GLONASS), tính toán điều kiện môi trường (áp suất không khí, độ ẩm, sức gió, tốc độ bay, góc tấn công…). SPV-24 cũng nhận thông tin bổ trợ được truyền từ các máy bay cảnh báo sớm, trạm liên lạc mặt đất và các máy bay khác. Sau đó hệ thống này soạn ra một bảng thông số cần thiết cho 1 quả bom (tốc độ rơi, độ cao, quỹ đạo…) để nó tự động rời khỏi khoang, bắt đúng mục tiêu, với sai số chỉ từ 3-5 m. Nhờ SPV-24 mà máy bay tuổi đời 30 năm như Su-24 vẫn có thể cắt được những loại bom “đồ cổ” (tuổi cũng trên 30 năm) với độ chính xác ngang với bom dẫn đường hiện đại nhất, được ném đi từ những máy bay ném bom hiện đại nhất của Mỹ và phương Tây.
Bom KAB lắp trên Su-25 là loại bom xuất xưởng đã trên 30 năm. Ảnh: Sputnik |
Nhờ thiết bị này, phi công không phải tập trung vào quá nhiều vào các thao tác khác. Anh ta chỉ việc nhập dữ liệu mục tiêu vào hệ thống, bay đúng theo bảng thông số, còn bom sẽ do hệ thống SPV-24 tự tính toán và cắt nhả tự động. Phi công có nhiều thời gian hơn để quan sát các mối đe dọa khác từ đối phương (máy bay, tên lửa, súng máy phòng không). Ưu thế lớn nhất chính là chỗ, hệ thống SPV-24 cho phép máy bay cắt bom ở độ cao 5.000m mà không cần sà thấp hay bổ nhào; đồng nghĩa với việc tên lửa vác vai của đối phương không vươn tới được. Cuối cùng, công nghệ mới này rất kinh tế, vì SPV-24 có thể được “tái sử dụng”, chuyển từ chiếc này sang chiếc khác, còn không quân Nga thì có thể “thoải mái” khai thác kho bom “đần” khổng lồ được tích trữ từ thời Chiến tranh Lạnh.
SVP-24 đã được triển khai lắp trên các loại máy bay Su-24, Su-25, máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3, trực thăng vũ trang Ka-50 và Ka-52, tiêm kích MiG-27 và cả máy bay huấn luyện chiến đấu L-39. Thậm chí có tin trực thăng vũ trang loại Mi-24 và Mi-35M Nga mới triển khai ở Latakia (Syria) cũng có trang bị SVP-24.