Động thái đáng quan ngại
Kênh (DW) đưa tin, trong tuần qua, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo. Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết họ đang theo dõi một cách quan ngại về việc huy động lực lượng gần đây ở nhiều nơi khác trên quốc gia Bắc Phi này. UNSMIL kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và tránh các hành động quân sự khiêu khích.
Ngày 15/8, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Libya đã bày tỏ lo ngại tương tự: "Việc sử dụng vũ lực sẽ gây tổn hại đến ổn định ở Libya và kéo theo đau khổ cho người dân. Cần phải tránh bằng mọi giá”.
Libya trải qua tàn phá nặng nề bởi tình trạng bất ổn chính trị và an ninh kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi vào năm 2011. Từ năm 2014, Libya bị chia cắt làm đôi, trong đó chính quyền đối đầu nhau hoạt động ở phía Đông và phía Tây đất nước. Chính quyền do Liên hợp quốc công nhận là Chính phủ Thống nhất Quốc gia Lybia (GNU), có trụ sở tại Tripoli ở phía Tây. Đối thủ của GNU là lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar ở miền Đông Libya có trụ sở ở tại Tobruk.
Vào nhiều thời điểm khác nhau trong thập kỷ qua, hai bên đã tìm cách giành quyền kiểm soát. Năm 2019, lực lượng của Tướng Haftar đã tấn công Tripoli nhưng cuối cùng đã buộc phải ký lệnh ngừng bắn vào năm sau đó.
Những người theo dõi Libya lâu năm nhận định rằng, sau khoảng bốn năm tương đối yên bình, nội chiến có thể sắp bùng nổ một lần nữa.
Kể từ cuối tuần trước, lực lượng của Tướng Haftar dường như lại di chuyển về hướng thủ đô. Tướng Haftar tuyên bố con trai ông là Saddam đã chỉ huy các thành viên lực lượng di chuyển để đảm bảo an ninh biên giới Libya, chống khủng bố và những kẻ buôn lậu người, ma túy. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự nghi ngờ về diễn biến này.
Chuyên gia về Bắc Phi tại Viện Royal United Services (Anh) – ông Jalel Harchaoui - đánh giá với tờ Le Monde (Pháp) rằng lực lượng của Tướng Haftar từ lâu đã muốn kiểm soát sân bay Ghadames và khu vực xung quanh. Theo ông Harchaoui, việc kiểm soát Ghadames sẽ nâng cao đáng kể vị thế của Tướng Haftar với Algeria, Tunisia và Niger đồng thời chặn quyền tiếp cận của đối thủ GNU.
“Nếu lực lượng của Tướng Haftar chiếm được Ghadames, điều đó sẽ chính thức đánh dấu sự sụp đổ của lệnh ngừng bắn năm 2020", chuyên gia về Libya tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu Tarek Megerisi, đăng trên mạng xã hội X.
Để ứng phó với các cuộc di chuyển quân, một loạt các lực lượng dân quân ủng hộ GNU được yêu cầu tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu của chính phủ ở Tripoli ngày 8/8 cho biết họ đã đặt lực lượng của mình trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng đẩy lùi mọi cuộc tấn công có thể xảy ra.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/8, Hội đồng Nhà nước Tối cao Libya (HSC) có trụ sở tại Tripoli, bày tỏ quan ngại về các hoạt động điều động quân sự của lực lượng do Tướng Haftar đứng đầu ở khu vực Tây Nam Libya. HSC cáo buộc lực lượng của Tướng Hafta đang hướng tới mục tiêu tăng cường ảnh hưởng và mở rộng quyền kiểm soát đối với các khu vực chiến lược ở khu vực biên giới phía Tây giáp với Tunisia và Algeria. Tuyên bố của HSC nêu rõ: "Những động thái này có khả năng đưa Libya quay trở lại đụng độ vũ trang và là mối đe dọa trực tiếp đến lệnh ngừng bắn năm 2020".
Nguy cơ nội chiến mới
Vào tuần này, tình hình ở Libya dường như đã lắng dịu trở lại. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nguy hiểm vẫn hiện diện. Ông Emadeddin Badi tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) coi những động thái mới của Tướng Haftar là một kiểu chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”. Ông nhận định rằng các phe phái đối lập ở Libya tin một trong số họ cuối cùng phải điều hành đất nước, thay vì cùng nhau hợp tác để thống nhất.
Ông Hafed al-Ghwell tại Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trong bài bình luận đăng trên trang điện tử của Euronews vào tuần trước phân tích: “Libya tiếp tục tan rã một cách lặng lẽ, với những dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy các chính quyền đối địch đang tập hợp lại để làm điều gì đó lớn”.
Theo DW, nỗ lực thống nhất hai nửa Libya bằng tổ chức bầu cử quốc gia, thống nhất lực lượng an ninh, hành chính, ngân sách quốc gia, hoặc thành lập một chính phủ thống nhất lâm thời, đã không mang lại kết quả gì. Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã quen với việc phải giải quyết với hai chính quyền khi làm việc cùng Libya về các vấn đề dầu mỏ hoặc di cư. Nhưng các nhà phân tích như Badi, al-Ghwell và Megerisi đều lập luận rằng việc nhận tình trạng 2 chính quyền ở Libya không còn hiệu quả nữa.