Tờ Welt am Sonntag và kênh ARD (Đức) đã tiết lộ thông tin trên vào ngày 6/11. Hai công ty liên quan đến diễn biến này là MTU tại thành phố Friedrichshafen và công ty Pháp có tên SEMT Pielstick. Cả 2 doanh nghiệp này đều khẳng định họ tuân thủ quy định xuất khẩu và công khai về việc có “làm ăn” với quân đội Trung Quốc.
Chi tiết về việc chuyển giao động cơ của MTU cho quân đội Trung Quốc được công khai trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI).
Theo SIPRI, MTU là nhà cung cấp động cơ cho tàu khu trục tên lửa lớp Luyang III của Trung Quốc. Bên cạnh đó, MTU cũng cung cấp động cơ cho tàu ngầm lớp Song thuộc quân đội Trung Quốc.
Nhưng đại diện của MTU tại trụ sở ở Đức chia sẻ với ARD và Welt am Sonntag rằng họ đã ngừng cung cấp động cơ cho các tàu ngầm. Ngoài ra, MTU khẳng định không ký kết bất cứ hợp đồng nào với Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc lực lượng vũ trang nước này.
SIPRI nhấn mạnh rằng động cơ của MTU lắp đặt trên chiến hạm Trung Quốc là công nghệ sử dụng kép không cần giấy phép xuất khẩu.
SEMT Pielstick năm 2002 cũng công bố thông tin chuyển động cơ PA6 cho một thế hệ tàu khu trục mới của Trung Quốc.
Luật sư Sebastian Rossner tại Cologne (Đức) chia sẻ với ARD rằng: “Bởi vì lệnh cấm vận của EU với Trung Quốc chưa được quyết định chính thức dựa trên các hiệp ước của châu Âu nên việc xuất khẩu một số động cơ tàu cho Hải quân Trung Quốc là có thể được phép”.