Theo đài Sputnik (Nga), KF-21 Boramae được thiết kế dựa theo hình dáng của chiến đấu cơ F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo. Song dù không sánh được với khả năng tàng hình của tiêm kích Mỹ, KF-21 Boramae vẫn là một mẫu máy bay chiến đấu đầy ấn tượng.
Nguyên mẫu máy bay KF-21 Boramae đã lần đầu cất cánh vào lúc 3h40 phút chiều 19/7 (theo giờ địa phương) từ căn cứ không quân ở gần trụ sở chính của nhà sản xuất Korea Aerospace Industries (KAI), ở Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang, cách thủ đô Seoul khoảng 300km. Theo Defense News, chiếc máy bay phản lực bay trong 30 phút, đạt tốc độ 400 km/giờ.
Phi công của chiến đấu cơ - Thiếu tá Junhyeon Ahn, thuộc Đơn vị Kiểm tra và Đánh giá Không quân, đã kiểm tra các chức năng cơ bản của máy bay.
Các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay này mang theo mô hình của 4 tên lửa không đối không tầm xa Meteor. Điều này cho thấy đây sẽ là chiếc máy bay đầu tiên ở châu Á sử dụng loại vũ khí tiên tiến này. KF-21 cũng dự kiến được trang bị lửa hành trình phóng từ trên không Cheon Ryong (ALCM) mới của Hàn Quốc.
Việc Boramae mang vũ khí bên ngoài thay vì khoang chứa vũ khí bên trong cho thấy dù có hình dáng tương tự máy bay chiến đấu F-35, loại tiêm kích này sẽ không nhắm tới khả năng phát hiện radar ở tầm cực thấp, vốn là một phần của khả năng tàng hình đặc trưng của chiến đấu cơ Mỹ.
Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc mô tả KF-21 là loại máy bay chiến đấu được trang bị các công nghệ tiên tiến giúp chúng khác biệt với các máy bay chiến đấu trước đó. Tuy nhiên, nó vẫn thiếu các đặc tính khả năng tàng hình, kết hợp cảm biến tiên tiến và đặc tính siêu chính xác của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Với đặc điểm này, chuyên gia nhận định Boramae có thể sánh ngang với F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ, Eurofighter Typhoon và Su-35 của Nga.
Dù được chế tạo và đang được thử nghiệm tại Hàn Quốc, song Indonesia đã cung cấp 20% tài chính để sản xuất ra chiếc máy bay này. Khi dự án được công bố vào tháng 4/2021, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Moon Jae-in cho biết quốc gia này sẽ sở hữu 40 chiếc máy bay phản lực sẵn sàng chiến đấu vào năm 2028, 120 chiếc vào năm 2032. Seoul cũng dự kiến sẽ thực hiện 2.000 chuyến bay thử nghiệm từ nay đến năm 2026, sau đó sẽ đi vào sản xuất hàng loạt, nếu không có vấn đề gì lớn cần thiết kế lại hoặc thử nghiệm thêm.
Xem Chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc lần đầu bay thử nghiệm (Nguồn: Twitter):