Lầu Năm góc thử thành công tên lửa vi ba dùng để tiêu diệt máy tính, radar thụ động và các thiết bị điện tử khác.
Theo đơn đặt hàng của Lầu Năm góc, phân hãng Phantom Works của Boeing đang thực hiện dự án CHAMP (Counter-Electronics High Power Microwave Advanced Missile Project – Dự án tên lửa vi ba chống điện tử công suất lớn tiên tiến). Dự án còn có sự hợp tác của Phòng Năng lượng định hướng thuộc Phòng thí nghiệm Không quân Mỹ.
Tên lửa CHAMP có sử dụng linh kiện của Raytheon Ktech, hệ thống bảo đảm năng lượng xung của Sandia National Laboratories.
|
Hình ảnh giả định của tên lửa CHAMP. |
Mục tiêu của CHAMP ước trị giá 38 triệu USD là chế tạo mộtvũ khí lý tưởng khi cần triệt bỏ tai mắt, khả năng ngắm và bắn của kẻ địch vì nó loại khỏi vòng chiến toàn bộ các thiết bị điện tử trong bán kính hoạt động của nó mà không gây hại cho con người.
Các tên lửa này làm nhiệm vụ dọn đường, tiêu diệt các thiết bị điện tử đối phương trước khi máy bay hay các đơn vị quân nhà bay đến và tiến vào một thành phố đối phương.
Gần một năm trước, tên lửa đã được thử nghiệm lần đầu, nhưng kết quả chưa được thông báo.
Lần thử nghiệm tiếp theo diễn ra ngày 16/10/2012 tại một trường thử ở bang Utah đã được Boeing chính thức thông báo.
|
Hình ảnh giả định của tên lửa CHAMP. |
Trong cuộc thử nghiệm, mục tiêu của pháo xung điện từ CHAMP là một số tòa nhà hai tầng tại trường thử, trong đó bố trí một số lượng lớn máy tính cá nhân để bàn và các thiết bị điện tử khác.
Sau khi bị pháo điện từ tấn công bằng bức xạ vi ba định hướng trong vài giây, tất cả các máy tính, các hệ thống chỉ huy và liên lạc trong các ngôi nhà hai tầng mục tiêu đã bị thiêu cháy.
Vài giây sau, hệ thống điện bị hỏng, thậm chí hệ thống camera dùng để ghi kết quả thử nghiệm cũng bị hỏng. Tất cả những gì còn lại như người, động vật, hạ tầng hầu như không bị tổn hại.
Trong vòng một giờ, tên lửa CHAMP đã tiêu diệt thành công 7 tòa nhà mục tiêu mà chỉ gây ra tổn thất phụ rất nhỏ hoặc không gây tổn hại gì.
Hiện chưa rõ sắp tới Quân đội Mỹ có nhận vào trang bị và triển khai tên lửa CHAMP hay không. Theo các chuyên gia Boeing, cho rằng, vũ khí này có thể làm biến đổi hoàn toàn chiến thuật tiến hành chiến tranh hiện đại trong không gian thông thường và không gian điều khiển học. Các chuyên gia Mỹ dự kiến, sắp tới, công nghệ này sẽ mang lại khả năng làm tê liệt hoàn toàn toàn bộ các thiết bị điện tử của kẻ địch tiềm tàng, kể cả các hệ thống xử lý và lưu trữ dữ liệu.
Keith Coleman, một lãnh đạo của dự án CHAMP, cho biết: “Công nghệ này đánh dấu sự mở đầu cảu một kỷ nguyên mới trong chiến tranh hiện đại và chiến tranh điều khiển học. Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai gần, các hệ thống này sẽ là phương tiện sẽ biến các thiết bị điện tử và máy tính của kẻ địch thành đống đồ vô dụng, khiến cho kẻ địch trở nên bất lực từ góc độ thông tin. Chế tạo tên lửa mới, chúng tôi đã làm cho một cái gì đó trong lĩnh vực viễn tưởng khoa học trở thành một vật tồn tại thực tế”.
CHAMP dự định trước hết dùng để chống các radar thụ động siêu tinh vi mà Nga, Trung Quốc và các nước khác đang sử dụng.
Khác với các radar chủ động, radar thụ động phát hiện mục tiêu mà không để lộ sự tồn tại của mình ở cự ly xa. Các radar này cho phép phát hiện khá hiệu quả các máy bay tàng hình Mỹ, thậm chí cả loại tối tân, đắt tiền nhất như F-35. Một chùm vi ba từ tên lửa CHAMP có thể dễ dàng loại khỏi vòng chiến cả hệ thống phát hiện của đối phương mà không gây tổn hại cho ai.
Theo baodatviet