Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu với báo giới, ông Röttgen nêu rõ: "Tôi luôn nhấn mạnh việc hoan nghênh các binh sĩ Mỹ ở Đức và hy vọng đã có thể ngăn chặn được kế hoạch rút quân". Ông khẳng định thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về việc rút 11.900 binh sĩ khỏi Đức là rất đáng tiếc và là tính toán sai lầm, đồng thời cho rằng Mỹ đã làm ngược lại với những gì ông Esper nêu lý do cho việc rút quân.
Theo chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo Đức (CDU), thay vì tăng cường cho NATO, việc giảm quân số ở Đức sẽ làm suy yếu khối liên minh cũng như làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng theo ông Röttgen, binh sĩ Mỹ ở Đức tuy cũng góp phần bảo vệ cho Đức, song chủ yếu Đức được coi như trung tâm kho vận của Mỹ phục vụ sự hiện diện quân sự của Washington trên thế giới.
Bộ trưởng Nội vụ bang Rheinland-Pfalz, ông Roger Lewentz nói rằng quyết định của Mỹ là một đòn mạnh đối với khu vực Eifel (nơi có căn cứ Spangdahlem) về mặt kinh tế cũng như xét về mối quan hệ hữu nghị đã được xây đắp từ hàng thập kỷ qua giữa người dân bang Rheinland-Pfalz với người Mỹ. Ông cũng cho biết chưa có thông tin căn cứ Spangdahlem sẽ bị giải thể hoàn toàn, trong khi các căn cứ Ramstein, Kaiserslautern, Landstuhl-Weilerbach và Baumholder dường như không bị ảnh hưởng bởi việc rút quân. Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder cũng bày tỏ lấy làm tiếc về kế hoạch của Mỹ, nhận định kế hoạch sẽ tác động tới quan hệ Đức-Mỹ này không có lợi ích rõ ràng về mặt quân sự.
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper thông báo trước đó cùng ngày, Mỹ sẽ rút gần 12.000 binh sĩ khỏi Đức, nhiều hơn đáng kể so với con số khoảng 10.000 binh sĩ được nói tới trước đây. Trong số này, 6.400 binh sĩ sẽ được đưa trở về Mỹ, trong khi 5.600 binh sĩ sẽ được chuyển tới các nước NATO khác như Italy và Bỉ.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh châu Âu (Eucom) và Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom) của Mỹ sẽ bị rút khỏi thành phố Stuttgart. Eucom sẽ được chuyển tới thành phố Mons của Bỉ, trong khi chưa rõ địa điểm chuyển đến của Africom. Thị trưởng thành phố Stuttgart, ông Fritz Kuhn đã chỉ trích động thái của Mỹ, cho rằng chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ sự hợp tác chặt chẽ vốn đượcphát triển trong nhiều thập kỷ để trừng phạt một đồng minh trong khi không có sự đồng thuận trong Quốc hội Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, việc rút quân cần được thực hiện "càng sớm càng tốt", song ông chưa cung cấp một kế hoạch cụ thể cho việc rút quân này.