Theo nguồn tin, các loại vũ khí Ba Lan đã chuyển giao cho Ukraine bao gồm 200 chiếc xe tăng chiến đấu T-72 do Liên Xô chế tạo, hàng chục lựu pháo tự hành Gvozdika, nhiều bệ phóng tên lửa Grad, tên lửa cho máy bay chiến đấu MIG-29 và Su-27, cùng với các loại đạn dược và máy bay không người lái trinh sát do nước này tự chế tạo.
Giới quan sát chỉ ra rằng trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ba Lan sở hữu khoảng 400 chiếc xe tăng trong kho vũ khí. Điều này có nghĩa là Warsaw đã cung cấp khoảng một nửa hạm đội thiết giáp của mình để hỗ trợ Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Moskva. Đài phát thanh của Ba Lan cũng cho biết nước này đã nâng cấp một số mẫu xe vào năm 2019, nhưng Ukraine chỉ nhận được những mẫu xe không nằm trong chương trình hiện đại hóa.
Ông Wojciech Skurkiewicz, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan, xác nhận rằng Warsaw đã hỗ trợ Kiev về mặt quân sự kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra.
Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Kiev tích cực nhất khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. So với các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, nước này đã thúc đẩy hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga – như lệnh cấm hoàn toàn thương mại với nước này. Đồng thời, Warsaw cũng kêu gọi NATO thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Ukraine để đảm bảo các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Kiev một cách an toàn.
Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga (SVR) cho rằng Ba Lan và Mỹ đang có kế hoạch lợi dụng cuộc xung đột đang diễn ra để Warsaw giành quyền kiểm soát các khu vực phía tây Ukraine. Ba Lan đã bác bỏ những tuyên bố này và cho rằng đây là “hoạt động thông tin của Nga” nhằm đối phó với Warsaw và Washington. Tuy nhiên, hôm 29/4, SVR đã nhấn mạnh rằng tuyên bố của họ về hoạt động gìn giữ hòa bình của Ba Lan ở Ukraine “không phải là một giả định, mà là một dữ liệu tình báo thu được từ một số nguồn đáng tin cậy.”